Nhìn lại năm 2013
Một sự kiện chưa có tiền lệ trong các vụ án chính trị tại Việt Nam khi một tù nhân chính trị được trả tự do tại tòa phúc thẩm từ một bản án 6 năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Tại phiên phúc thẩm ở Long An hôm 16/8, bản án đối với Nguyễn Phương Uyên được đổi thành 3 năm tù treo và Đinh Nguyên Kha được giảm nửa án tù, từ 8 năm còn 4 năm. Nhà chức trách sau này cũng hủy án ‘khủng bố’ đối với Đinh Nguyên Kha sau một năm điều tra không thu thập được chứng cứ thuyết phục. Uyên và Kha đã rải truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông và phản đối sự cai trị độc tài của đảng cộng sản Việt Nam.
Việt Nam ngày 9/3 tuyên bố Giải Phụ nữ Can đảm Thế giới do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao tặng cho blogger Tạ Phong Tần là “sai trái, can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam”. Blogger Tạ Phong Tần hiện đang bị Việt Nam giam cầm với án tù 10 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì các bài viết mà Hà Nội cho là “xuyên tạc”, “nói xấu” đảng và nhà nước. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tại khán phòng trong trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry đã vinh danh blogger Tạ Phong Tần cùng với 8 nhà hoạt động khác trên thế giới vì sự can đảm phi thường, bất chấp hiểm nguy, dấn thân cổ xúy-thăng tiến cho nữ quyền.
Hàng vạn người ủng hộ đảng đối lập ở Campuchia đã xuống đường để đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức hoặc tổ chức lại cuộc bầu cử quốc hội. Đảng Cứu Quốc Campuchia, một liên minh gồm các nhóm đối lập, hôm 22/12 thề sẽ biểu tình mỗi ngày cho tới khi ông Hun Sen từ chức, hoặc loan báo tổ chức bầu cử mới. Họ hối thúc Thủ tướng Hun Sen hãy noi gương Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, người đã giải tán Quốc hội hồi tuần trước và tổ chức bầu cử trước hạn kỳ. Đảng Cứu Quốc nói cuộc biểu tình có sự tham dự của nửa triệu người.
Các khẳng định chủ quyền mạnh mẽ của Trung Quốc trong năm 2013 đã làm gia tăng tinh thần dân tộc và tâm lý bài Trung Quốc ở Việt Nam. Đã có những cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc cùng những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa của đất nước láng giềng phương bắc. Bắc Kinh lên tiếng nhận chủ quyền về đường 9 đoạn, hay còn được gọi là đường lưỡi bò, đường chữ U, bao trọn 4 nhóm quần đảo và bãi đá ngầm lớn trên biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, và chiếm phần lớn diện tích ở vùng biển này. Về các tuyên bố giành chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nói với VOA Việt Ngữ rằng ‘dã tâm lãnh thổ của họ rất là ghê gớm’.
Việt Nam tổ chức quốc tang tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai ngày 12 và 13/10. Hàng chục ngàn người đã xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ bên ngoài tư gia của Tướng Giáp tại trung tâm Hà Nội chờ đến lượt vào viếng ông và bày tỏ lòng thương tiếc một trong những vị anh hùng được kính trọng nhất tại Việt Nam qua đời hôm 4/10, thọ 103 tuổi. Tướng Giáp là vị chỉ huy có công lớn trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, dẫn tới việc rút quân của quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam và toàn vùng Đông Dương. Ông được xem là một trong những vị anh hùng dân tộc được kính trọng nhất của Việt Nam, chỉ sau nhà lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh. Ông cũng là nguồn cảm hứng cho các lực lượng chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
Vào hồi trung tuần tháng 8, tổ chức y tế nhân đạo quốc tế Bác sĩ Không Biên giới (MSF) cho biết ba bệnh viện tại Syria đã nhận khoảng 3.600 bệnh nhân có những triệu chứng bị nhiễm chất độc làm tê liệt thần kinh. Tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có những cáo buộc là hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học được cho là do chính phủ Syria thực hiện.
Tính từ năm 2009 cho tới ngày 19/12/2013 khoảng 125 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối chính sách của Trung Quốc đàn áp chính trị và nền văn hóa Tây Tạng. Hầu hết những người tự thiêu kêu gọi hãy để Ðức Đạt Lai Lạt Ma hồi hương và trả lại các quyền tự do cho người Tây Tạng. Bắc Kinh quy trách cho Đức Đạt Lai Lạt Ma về hình thức phản đối này, nói rằng đây là một âm mưu chính trị nhằm gây bất ổn tại Tây Tạng và làm mất uy tín của chương trình hiện đại hóa do chính quyền Trung Quốc để phát triển khu vực này. Đài VOA thực hiện một bộ phim tài liệu giới thiệu câu chuyện toàn diện, đào sâu về lịch sử Tây Tạng trong thời gian qua và tìm hiểu căn nguyên của những hành động phản đối hãi hùng này.
Dư luận và cộng đồng mạng sửng sốt và căm phẫn trước việc một nhà hàng bán thức ăn nhanh ở thủ đô Trung Quốc treo bảng không tiếp khách người Việt, Philippines, Nhật, và chó. 4 bạn trẻ từ hai miền Nam-Bắc tham gia chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA đã lên án việc làm này mang tính xúc phạm và phân biệt đối xử và là một hành động gây hấn nữa xuất phát từ Bắc Kinh. (Ảnh chụp từ màn hình.)
Các blogger và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam không được phép chia sẻ hay phổ biến tin tức từ báo chí hay các trang mạng của chính phủ, theo một nghị định ban hành hồi tháng 8 bị chỉ trích là một nỗ lực tiếp tục tăng cường siết chặt quản lý Internet và đàn áp quyền tự do thông tin của người dân. Nghị định 72 của chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 9 năm 2013 quy định blog hay các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter chỉ được dùng để cung cấp và trao đổi thông tin cá nhân, không được trích đăng, thu thập, hay cung cấp thông tin tổng hợp.
Một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘trốn thuế’ trong một vụ xét xử bị giới bênh vực nhân quyền chỉ trích là do động cơ chính trị. Luật sư Quân là một trong những tiếng nói khẳng khái chỉ trích nhà nước, lên án bất công xã hội, bênh vực cho công lý và người nghèo. Trước khi bị bắt vào tháng 12 năm ngoái, ông là chủ nhân một trang blog viết về nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo, và các chủ đề nhạy cảm khác, kể cả vấn đề Biển Đông. Ngay sau phiên xử, tòa đại sứ Hoa Kỳ đã ra thông cáo nói rằng “việc chính quyền Việt Nam viện các điều khoản về thuế vụ để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ, hoặc bày tỏ quan điểm chính trị ôn hòa là điều rất đáng quan ngại.”