Một phúc trình mới cho biết làm báo một cách chuyên sâu, tường tận đang gặp nguy cơ trên toàn cầu, từ các vụ tấn công hành hung cho tới các khoản ngân sách bị cắt giảm đối với các tòa báo. Phúc trình nói sự thật đang bị trấn áp.
Tạp chí Index on Censorship đặt nhan đề bản phúc trình là Nguy hiểm của Sự thật, Sự thật bị Nguy hiểm.
Chủ biên Rachael Jolley cho biết: “Đúng là con dao hai lưỡi, phải không? Tôi nhìn vào các ký giả bị đe dọa từ tất cả mọi lĩnh vực. Rất nhiều kiểu áp lực, không chỉ hình thức bạo lực mà còn cả các kiểu phạt hành chính, áp lực tâm lý. Tôi muốn nói về việc trong giới ký giả chúng tôi có cảm nhận rằng chúng tôi sẽ không phơi bày được sự thật qua năm tháng vì phơi bày ra công chúng sự thật là việc đang trở nên ngày càng nguy hiểm. Không chỉ ký giả bị nguy hiểm mà sự thật cũng đang bị nguy hiểm.”
Các vụ tấn công đối với cánh báo chí bao gồm các vụ sát hại và bắt cóc. Theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả, năm ngoái có 73 nhà báo bị giết. Trong lúc chúng tôi thực hiện bài tường thuật này, có 17 ký giả bị sát hại trong năm nay.
Phúc trình của Index on Censorship nói ‘Tại Iraq, cung cấp sự huấn luyện bảo vệ an toàn không chỉ cần thiết mà còn là một trách nhiệm của các cơ quan quan tâm đến các ký giả và những nhà hoạt động trong những khu vực nguy hiểm.’ Vẫn theo báo cáo, ở một số nước như Syria, Afghanistan, và Yemen, các nhà báo kỳ cựu thường cảm thấy khó tác nghiệp.
Phúc trình chỉ ra một xu hướng đang gia tăng trong việc ‘dán nhãn cho ký giả là các phần tử khủng bố hoặc cực đoan để các chính phủ có thể đàn áp hoạt động của họ.’ Luật của một số nước còn cấm chỉ các bài báo chỉ trích quan chức nhà nước.
Chủ bút Jolley cho biết ngoài ra còn có áp lực tài chính từ các khoản ngân sách thu hẹp.
Bà Jolley nói: “Trong một chừng mực, có nguy cơ rằng cách tài trợ cho báo chí đang làm thay đổi báo chí. Các nhà báo ngày càng ít làm các bài tường thuật có chiều sâu, họ bị đặt dưới áp lực viết các tường trình nhanh. Cho nên, đó cũng là lý do vì sao chúng ta không còn thấy các bài phóng sự điều tra chuyên sâu nữa.”
Bà Jolley cho biết các tòa báo ngày nay có ngân sách và đội ngũ nhân viên ít hơn nhiều so với trước. Cho nên, có phần chắc họ không thể làm ra các loạt phóng sự điều tra kiểu từng thấy trong vụ tai tiếng chính trị Watergate ở Mỹ thập niên 70 khiến Tổng thống Nixon phải từ chức hay trong vụ gần đây phanh phui các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Bà Jolley gọi đây là ‘tình trạng mua chuộc và nghề báo bị đè nén.’
Bà Jolley nói: “Ký giả được cử đi tìm hiểu một câu chuyện, được thật sự thâm nhập vào một cái gì đó, có cơ hội để làm một điều gì đó chẳng hạn như điều nghiên các tài liệu, nghiên cứu các chi tiết và thực sự phơi bày sự thật, những điều như thế ngày càng thưa dần. Tôi muốn nói dĩ nhiên cũng còn một ít ký giả đang làm như vậy, nhưng số lượng và sự dấn thân vào kiểu làm báo đó đang mai một.”
Bà Jolley nói ngay cả phương tiện truyền thông xã hội như Twitter cũng có thể có tác động tiêu cực đến việc tường trình tin tức của báo giới.
Bà cho biết: “Phương tiện truyền thông xã hội, một mặt nào đó, là một sáng kiến tuyệt vời và thú vị, cho chúng ta tìm hiểu thông tin. Nhưng mặt khác, nó cũng được dùng để ngăn chặn thông tin. Ta thấy có những chính phủ rót tiền vào bộ máy quảng bá, nhưng không phải bằng cách thẳng thắn, theo hướng tích cực, mà là bằng cách nhắm vào các nhà báo và tìm cách hủy hoại thanh danh của họ, để tấn công ký giả, đối phó với những bài viết của họ, bôi nhọ hình ảnh của họ cả trong lẫn ngoài nước.”
Chủ bút tạp chí Index on Censorship cho biết nhiều nhà báo đã bị mất vị thế là người quan sát. Bà Jolley nói thậm chí các nhóm chủ chiến như Nhà nước Hồi giáo cũng có phương tiện truyền thông riêng, không cần đến các ngòi bút ký giả.
Ngoài ra, bà Jolley cho biết, ngày càng gia tăng xu hướng làm báo về người nổi tiếng, viết về những người giàu có, tiếng tăm và cập nhật thông tin về họ.
Vẫn theo lời bà, nếu mỗi công dân đòi được biết những gì chính phủ đang làm thì truyền thông báo chí sẽ phải đáp ứng bằng những cái vượt xa hơn là những bài tường thuật tốt.