Đang có một làn sóng bất bình trên mạng xã hội ở Việt Nam sau khi báo chí đưa tin nhiều nữ giáo viên bị điều động “phục vụ” quan khách cho một sự kiện ở Hà Tĩnh.
Tin cho hay người đứng đầu thị xã Hồng Lĩnh hồi tháng 8 đã ra văn bản “phân công” 21 nữ giáo viên “phục vụ lễ tân” cho sự kiện có tên Liên hoan dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh. Sau đó, các giáo viên phản ánh họ phải đi cùng “quan khách” tới một nhà hàng “ăn uống, tiếp bia rượu và hát karaoke”.
Một số giáo viên nói họ cảm thấy "rất phiền hà” và “không được thoải mái". Thậm chí một số giáo việc bức xúc vì việc họ phải đi phục vụ như vậy đã dẫn đến ghen tuông, rạn nứt hạnh phúc gia đình.
Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh cho rằng "không có vấn đề gì” trong việc điều động các nữ giáo viên “phục vụ đại biểu”. Ông cho biết việc này không chỉ diễn ra với “riêng buổi lễ đó”, mà một số hội thảo, hội nghị lớn trên địa bàn của ông “cũng có chủ trương điều động các lực lượng đoàn thể tham gia phục vụ". Ông gọi việc điều động này là “nhiệm vụ chính trị”.
Vụ việc xảy ra cách đây 3 tháng giờ đây được nêu lên trên báo chí chỉ ít ngày trước Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, 20/11, một dịp thường niên để tôn vinh các nhà giáo, nên thu hút sự chú ý đông đảo của công luận.
Bình luận trên mạng xã hội, nhiều người viết rằng việc điều động các nữ giáo viên “trẻ đẹp” làm lễ tân, phục vụ quan khách là sự coi thường phụ nữ. Họ xem việc làm này là “một sự sỉ nhục” cũng như “làm tổn thương” lòng tự trọng, danh dự và nhân phẩm các cô.
Hôm 14/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nêu ý kiến của ông với báo chí về vụ việc. Ông cho rằng “Đây là hành vi … chưa đến mức độ nghiêm trọng, nhưng chắc chắn là không phù hợp, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Bộ trưởng Nhạ cũng nhận xét rằng “trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô, sau mới tính đến người ép buộc”. Ông nói: “Thầy cô phải tự xem xét lại mình, khi thấy không đúng thì phải kiến nghị, chứ mình thực hiện là vi phạm".
Nữ nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên, 49 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với VOA về cách bà nhìn nhận về vấn đề này:
“Những chuyện như thế này không chỉ xảy ra ở Hồng Lĩnh mà có thể xảy ra ở những nơi khác nhưng mà người ta không phản ánh lên. Cái lỗi ở đây theo tôi là từ nhiều phía. Vì từ phía các cô giáo, các cô đồng ý đứng làm lễ tân, nhưng mà đi vào phòng karaoke các cô có quyền từ chối. Bản thân tôi cũng đã từng có một vài lần được mời đi tương tự như thế, và tôi từ chối, và chẳng ai làm gì tôi hết. Cũng tùy theo vùng miền và tùy theo lãnh đạo địa phương. Tất cả các thầy cô giáo đều có quyền từ chối, nhưng mà có những người họ sợ rằng là khi họ từ chối họ sẽ gặp khó khăn. Tôi cho rằng nếu các cô từ chối không vào phòng karaoke, thì lãnh đạo của họ sẽ không có quyền gì cả, họ không có quyền để bắt buộc được”.
Một số người có ý kiến tương tự như bà Quyên. Họ cho rằng hành xử của các quan chức có thể không phù hợp luật pháp và các giá trị đạo đức, nhưng nếu các giáo viên không có bản lĩnh và không biết bảo vệ nhân phẩm của chính mình thì khó có thể dạy cho học sinh hình thành, phát triển được nhân cách tốt.
Ngược lại, nhiều người bất bình về cách lập luận của Bộ trưởng Nhạ mà họ cho là một dạng ngụy biện đổ lỗi cho nạn nhân.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên tại một trường đại học ở Hà Nội, phân tích với VOA rằng các giáo viên thường rất khó khăn mới xin được việc, nên họ không dám phản đối các mệnh lệnh không hợp lý để phải đứng trước rủi ro bị mất việc.
Bà Ánh cho rằng để ngăn chặn những vụ việc tương tự, cần phải xây dựng những điều khoản cụ thể trong luật. Bà nói:
“Chúng ta nên đưa những chuyện này vào những văn bản có tính chất pháp lý. Luật giáo dục phải quy định rõ ràng các lãnh đạo được làm gì và không được làm gì với nhân viên. Tại vì trong luật thì chỉ bảo vệ quyền của người lãnh đạo. Ví dụ, luật ghi rõ là cán bộ phải theo sự điều động của cấp trên. Và như ông ấy tự quy cái này là nhiệm vụ chính trị thì các cô rất khó từ chối, nhất là những người ông ấy tiếp đều là cấp trên cả”.
Nhiều người trong công chúng cho rằng vụ việc ở Hồng Lĩnh có thể xem là hành vi “hạ nhục” các nữ giáo viên một cách có tổ chức và có dấu hiệu phạm tội hình sự. Họ mong muốn bộ trưởng giáo dục phải mãnh mẽ bênh vực thay vì đổ lỗi cho các giáo viên.
Your browser doesn’t support HTML5