Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp để hạn chế tai tiếng gây ra bởi tai nạn hàng hải có thể được xem là tệ hại nhất từ nhiều thập niên. Số tử vong còn tăng nhưng sau gần 3 ngày, vẫn còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp về những gì đã xảy ra vào cái đêm định mệnh đó khi chiếc du thuyền bị lật.
Các cơ quan truyền thông nhà nước đã tập trung chủ yếu vào nỗ lực cứu hộ, ngay cả khi hy vọng tìm ra người sống sót ngày càng mờ nhạt. Hôm nay, số tử vong được xác nhận đã lên tới 65 người với hơn 370 người mất tích.
Nhiều cuộc phỏng vấn một số người sống sót đã được chiếu đi chiếu lại trên đài truyền hình nhà nước, nhưng không thấy nói mấy về tình trạng thời tiết trước khi xảy ra tai nạn hoặc những gì mà người sống sót nghĩ là đã xảy ra trên tàu.
Báo cáo chính thức cho đến nay là tình trạng thời tiết nguy hiểm và cơn lốc xoáy là nguyên do chính gây ra vụ lật tàu. Rất ít sự chú ý đã được dành cho sự kiện lỗi của con người có thể góp một phần vào nguyên do tai nạn.
Thuyền trưởng bị điều tra
Những thắc mắc về thành tích an toàn của chiếc tàu và thuyền trưởng đã mau chóng bị ém nhẹm trên mạng và trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Trên trang web Freeweibo.com, chiếc tàu Ngôi sao Phương Đông là một đề tài hàng đầu bị kiểm duyệt. Một số bài đăng đã kiểm duyệt đả kích tiến độ chậm chập của nỗ lực cứu hộ. Những bài đang khác nêu thắc mắc làm cách nào mà thuyền trưởng có đủ thời giờ để thoát nạn, mà không có thời giờ để gửi đi tín hiệu cầu cứu.
Trên dịch vụ mạng xã hội WeChat rất phổ biến, một số câu chuyện đã bị kiểm duyệt. Một bài viết trên nhật báo Xinjing rất nhiều người đọc ở Bắc Kinh, dường như đã có một tập hợp các câu hỏi được nêu ra. Tựa đề vẫn còn nổi bật, là, “Những gì chúng ta muốn biết về vụ chìm tàu Ngôi sao Phương Đông trên sông Dương Tử. Vì sao không có cảnh báo lốc xoáy? Vì sao mà mãi 2 tiếng đồng hồ sau khi xảy ra tai nạn mới được báo cáo cho cảnh sát?
Khi bấm vào đường dẫn, một trang hiện lên và nói là đã bị gỡ xuống vì những than phiền có liên quan đến nội dung.
Nhật báo People’s Daily được nhà nước hậu thuẫn đã bày tỏ sự ủng hộ viên thuyền trưởng Trương Thuận Văn và nêu ra kinh nghiệm 35 năm của ông này trong trọng trách đối với chiếc tàu từ năm 2008. Bản tin cũng nói thêm là vợ ông Trương có mặt trên tàu và chưa biết số phận bà này ra sao.
Không che dấu
Các cuộc họp báo của các giới chức phần lớn đã cố gắng tái xác nhận phần tường thuật chính thức về vụ việc, đưa ra các danh sách dài số con tàu và thợ lặn tham gia nỗ lực cứu hộ. Các cuộc họp báo cũng ủng hộ giả thuyết rằng một cơn lốc mạnh và hiếm hoi có thể đã gây ra vụ lật tàu.
Hôm nay, dường như để đáp lại những lời phản đối của thân nhân ở Thượng Hài và tại hiện trường tai nạn, giới hữu trách đã hứa tại một cuộc họp báo hàng ngày là sẽ tăng cường các nỗ lực giải quyết nhu cầu của các gia đình, cung cấp cho họ chỗ ở gần hiện trường và tư vấn tâm lý. Các giới chức nói hơn 1 ngàn 200 thành viên gia đình những người trên tàu đang có mặt tại thị trấn Giám Lợi, nơi chiếc tàu bị lật.
Các giới chức cho biết họ sẽ điều tra cả viên thuyền trưởng lẫn kỹ sư trưởng chiếc tàu. Phát ngôn viên Bộ Giao thông Từ Thành Quang nói với các phóng viên hôm nay rằng chính phủ sẽ “không bao giờ che giấu lỗi lầm và dứt khoát không ém nhẹm điều gì” trong cuộc điều tra.
Một cuộc điều tra sơ khởi đã bắt đầu, theo lời các giới chức. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản cũng kêu gọi “một cuộc điều tra nghiêm túc về nguyên do tai nạn,” theo một bài tường thuật của Tân Hoa Xã.
Lòng tin bị sụp đổ
Nhưng không phải mọi người đều im lặng. Tạp chí độc lập Tài Tân đã đăng những bài viết về sự phẫn nộ và bất bình mà các gia đình những người trên tàu cảm thấy và cũng nêu thắc mắc về điều gì đã xảy ra ít lâu trước khi tàu lật.
Trong một bài viết phổ biến hôm qua, tờ Tài Tân nêu ra rằng theo chi tiết từ website theo dõi chiếc tàu, thì tàu đã quẹo gắt trước khi lật. Bài viết trích lời các chuyên gia phân tích nói rằng khó lòng một chiếc tàu lớn như tàu Ngôi sao Phương Đông có thể đổi hướng đi vì trời gió, và rằng viên thuyền trưởng có thể đã ra lệnh cho tàu chuyển hướng đi.
Bài viết cũng nêu ra điểm trong tình hình những chuyến đi như vậy không còn được chú ý mấy và giá cả đi ‘tua’ ngày càng thấp, chất lượng dịch vụ và bảo trì cũng sa sút. Tàu Ngôi sao Phương Đông đã hoạt động hơn 20 năm và thuộc quyền sở hữu của Công ty Phà Phương Đông ở Trùng Khánh, một xí nghiệp quốc doanh đã chật vật vì nợ nần chồng chất.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, ký giả nổi tiếng Tống Chí Tiêu lập luận rằng các nõ lực của chính phủ muốn vi quản lý cuộc thảo luận về vụ việc chỉ góp phần nêu lên thêm những câu hỏi. Sau vụ việc này, các giới chức tuyên truyền Trung Quóc đã cấm các phóng viên ở địa phương đến hiện trường tai nạn và đã ra lệnh cho các cơ quan truyền thông địa phương chỉ được sử dụng các bản tin của Tân Hoa Xã và hình ảnh của đài truyền hình nhà nước CCTV.
Trong một bản dịch bài đăng của ông Song trên mạng xã hội WeChat, do báo China Digital Times cung cấp, ông lập luận rằng mặc dầu sự quản lý mạnh tay đối với giới truyền thông có thể có tác dụng cách đây 10 năm, giờ đây có thể không còn tác dụng nữa.
Ông nói, trong khi có thể kiểm soát báo chí, chính phủ không thể kiểm soát các trang mạng xã hội như Weibo và WeChat.
Ông nói tiếp, “Cách thức quản lý thông tin đã tan rã …Hình thức thực thi hoàn toàn không có khả năng đem lại việc thực thi trong thực tế và chỉ có tác dụng khích lệ tâm lý ngược lại và hiểu theo hướng đối nghịch.”