Tòa án hàng đầu Hàn Quốc hôm 29/11 ra phán quyết đòi công ty Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản phải bồi thường cho 10 người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến thứ hai. Tokyo đã lập tức phản bác phán quyết đó.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng quyết định của tòa lặp lại phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao hồi tháng trước, bênh vực những người Hàn Quốc đòi đền bù từ Công ty Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản vì đã bị cưỡng bức lao động trong thời chiến.
Tòa giữ nguyên phán quyết của tòa phúc thẩm năm 2013 theo đó Mitsubishi phải bồi thường 80 triệu won (71.000 đôla) cho mỗi người trong số 5 người lao động, hoặc cho gia đình của họ.
Trong một phán quyết riêng biệt, tòa án còn ra lệnh cho công ty Mitsubishi phải trả 150 triệu won cho mỗi người trong 5 nguyên đơn khác, hoặc cho gia đình của những người này.
Công ty Mitsubishi mô tả phán quyết là “vô cùng đáng tiếc”, và trong một tuyên bố nói rằng công ty sẽ thảo luận với chính phủ Nhật Bản trước khi hồi đáp.
Những căng thẳng trong lịch sử chiến tranh từ lâu đã là một trở ngại cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Á, gây lo ngại rằng các vấn đề đó có thể phương hại tới các nỗ lực chung trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã ra tuyên bố, miêu tả các phán quyết của tòa án Hàn Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Bộ đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc để chính thức khiếu nại.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kono nói: “Các phán quyết đó hoàn toàn phá vỡ nền tảng pháp lý của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác” giữa hai nước.
Ngoại trưởng Kono kêu gọi Seoul hãy lập tức hành động để khắc phục “thiệt hại và những cái giá phi lý” đối với các công ty Nhật Bản, nếu không Tokyo sẽ phải xem xét các lựa chọn của mình, kể cả đưa vụ này ra tòa án quốc tế.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói “phản ứng cực đoan” của Nhật Bản thật là đáng tiếc, và cũng triệu tập đại sứ Nhật để kêu gọi Tokyo hãy tự chế.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Roh Kyu-deok nói:
“Chúng tôi sẽ có phản ứng theo cách có thể hàn gắn vết thương và nỗi đau của các nạn nhân, nhưng cùng lúc, tạo điều kiện cho mối quan hệ hướng tới phía trước với Nhật Bản”,
Ông Roh nhấn mạnh thêm:
“Nhưng chính phủ phải tôn trọng quyết định của ngành tư pháp theo nguyên tắc phân chia quyền lực”.
Những trường hợp trước đây của nhóm năm cựu lao động Hàn quốc bị đưa sang Nhật Bản đã bị bác bỏ trên cơ sở quyền được bồi thường của họ đã chấm dứt với hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Seoul và Tokyo hồi năm 1965.
Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hàn Quốc giữ nguyên phán quyết đã đưa ra vào tháng trước, cho rằng việc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên là điều bất hợp pháp.
Tòa án Hàn Quốc nói:
“Hiệp ước bình thường hóa bang giao không bao gồm quyền của các nạn nhân bị cưỡng bức lao động đòi được bồi thường vì những tội ác chống lại nhân loại của một công ty Nhật có liên hệ trực tiếp với chế độ thực dân cai trị bất hợp pháp của chính phủ Nhật và chiến tranh xâm lược bán đảo Triều Tiên”.
Kim Seong-ju, nguyên đơn 90 tuổi trong vụ kiện thứ hai, nói bà đã bị đưa sang Nhật Bản khi mới 15 tuổi qua sự giới thiệu của một giáo viên, vốn là một công dân Nhật.
Tại một cuộc họp báo sau phán quyết, bà Kim chìa ra bàn tay bị thương tật vĩnh viễn của mình và nói:
“Họ nói tôi có thể đi học cấp 2 và tiếp tục học cao hơn, nhưng thực ra tôi phải làm việc suốt trong một nhà máy”. Bà nói thêm: "Bây giờ, tôi cảm thấy rất tuyệt”.