Nhật Bản quyết định không tham gia cuộc duyệt binh hải quân quốc tế tại Hàn Quốc vào tuần tới sau khi Seoul yêu cầu Tokyo không treo cờ “mặt trời mọc” trên tàu chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết hôm 5/10. Đây là tranh cãi mới nhất giữa hai nước.
Quan hệ của Nhật Bản với cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên vốn đã căng thẳng từ lâu bởi nỗi oán hận kéo dài về thời kỳ Nhật biến bán đảo Triều Tiên thành thuộc địa trong các năm 1910-45, cũng như về tranh chấp trên biển và vấn đề trẻ em gái và phụ nữ Triều Tiên bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ thời chiến của Nhật Bản.
Quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi Hàn Quốc trong tuần này yêu cầu các nước tham gia không treo cờ ở mũi hoặc ở đuôi tàu, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya nói với các phóng viên.
“Về quân kỳ của Lực lượng Tự vệ Biển, các luật lệ trong nước quy định rằng cờ phải được treo ở đuôi tàu”, ông Iwaya nói. "Thật đáng tiếc, chúng tôi đã đi đến quyết định rằng chúng tôi phải hủy việc tham gia", ông nói thêm.
Nhiều người ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều coi lá cờ màu đỏ và trắng như một biểu tượng về sự xâm lược quân sự và thực dân trong quá khứ của Nhật Bản.
"Lá cờ ‘mặt trời mọc’ là lá cờ tội ác chiến tranh mà lũ đế quốc Nhật thế kỷ 20 đã sử dụng khi thực hiện các cuộc xâm lược dã man vào quốc gia của chúng ta và các quốc gia châu Á khác", trang web Uriminjokkiri do nhà nước kiểm soát của Triều Tiên viết.
"Dự định đi vào [Hàn Quốc] với cờ ‘mặt trời mọc’ được treo là một sự xúc phạm không thể chấp nhận và cũng là sự chế nhạo đối với người dân chúng ta".
Ở Hàn Quốc, các bài báo về cuộc tranh cãi này nằm trong số những bài được đọc nhiều nhất trên truyền thông xã hội. Cùng lúc, văn phòng của tổng thống nhận được 250 kiến nghị cấm tàu của Nhật Bản.
Hôm 5/10, Hải quân Hàn Quốc cho biết các tàu hải quân Nhật Bản đã treo quân kỳ khi họ tham gia cuộc duyệt binh hải quân vào năm 1998 và 2008, nhưng Hàn Quốc năm nay đề nghị tất cả các tàu của các nước chỉ treo các quốc kỳ của họ và của Hàn Quốc.