Nhật hoàng Akihito đã đọc một bài phát biểu hiếm thấy trên truyền hình toàn quốc hôm nay để lập luận rằng ngài đã quá lớn tuổi và sức khỏe yếu kém không thể thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Trong bài phát biểu, Nhật hoàng Akihito nói: “Khi trẫm thấy mức độ sức khỏe của mình đang dần dần sa sút, trẫm lấy làm lo ngại rằng có thể trẫm sẽ khó mà chu toàn nhiệm vụ trong tư cách biểu tượng quốc gia với toàn tâm toàn sức như trẫm đã làm cho đến nay.”
Tin cho hay tình trạng sức khỏe của nhà vua 82 tuổi đang sa sút. Trong mấy năm vừa qua, ngài đã phải phẫu thuật tim, bị sưng phổi và đã được điều trị chứng ung thư tuyến tiền liệt.
Nhà vua không thể thoái vị một cách đơn giản bởi vì bộ luật Hoàng gia năm 1947 quy định rằng việc kế vị chỉ có thể diễn ra khi nhà vua băng hà.
Nhà vua đã không đi đến chỗ ủng hộ việc quốc hội thay đổi bộ luật bởi vì ngài không muốn bị cho là can thiệp vào chính sự quốc gia.
Chuyên gia về Nhật Bản, ông Hosaka Yuji của trường Đại học Sejong ở Seoul, nói:
“Nhà vua kêu gọi sự thông cảm của dân chúng Nhật Bản trong tình huống của mình. Thông điệp của ngài không có tác động chính trị hay tác động ngoại giao nào.”
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy 80 đến 90 phần trăm dân chúng ủng hộ việc thay đổi bộ luật để nhà vua có thể thoái vị.
Nhưng một số người hoài cổ thuộc liên minh cầm quyền bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe không muốn đưa vấn đề thoái vị ra thảo luận, bởi vì tiến trình này có thể mào đầu cho những thay đổi khác mà họ cực lực chống đối, chẳng hạn như cho phép phụ nữ lên nối ngôi.
Thủ tướng Shinzo Abe không tỏ rõ thái độ đáp lại lời kêu gọi tế nhị của nhà vua muốn thay đổi luật kế vị ngôi vua.
Ông Abe nói: “Xét về tuổi tác và gánh nặng trách nhiệm của đức vua, tôi nghĩ đến sự mệt mỏi tinh thần của ngài. Tôi nghĩ ta nên suy nghĩ kỹ điều gì có thể xảy ra theo thông điệp của ngài.”
Biểu tượng đoàn kết
Sinh năm 1933, Nhật hoàng Akihito lên nối ngôi vua vào năm 1989 sau khi thân phụ Hirohito băng hà. Cho đến khi Nhật thua trận trong Thế chiến thứ Hai, Hoàng đế Hirohito vẫn được coi là một đấng thần linh.
Lực lượng Mỹ chiếm đóng Nhật Bản đã tước hết quyền hành của nhà vua, và xác định vai trò mới của nhà vua trong hiến pháp thời hậu chiến là “tượng trưng cho nhà nước và sự đoàn kết của dân chúng.”
Nhật hoàng Akihito là một nhân vật được dân chúng mến mộ và được coi là một nhà vua dễ gần gũi và giao tiếp hơn so với vua cha. Ngài còn phá vỡ cả thông lệ khi kết hôn với một thường dân là Hoàng hậu Michiko.
Ở các nước như Trung Quốc và Philippines, Nhật hoàng Akihito đã tìm cách hàn gắn những vết thương của Thế chiến thứ Hai qua việc bày tỏ sự hối tiếc về sự chết chóc và tàn phá do Nhật Bản gây ra.
Trong khi không công khai đứng về phe nào trong chính sự Nhật Bản, Nhật hoàng Akihito mới đây đã đưa ra những phát biểu có ý chỉ trích liên minh cầm quyền bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe.
Ông Abe và các ủng hộ viên theo chủ nghĩa dân tộc đã tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của những tội ác chiến tranh đã qua mà Nhật Bản bị cáo buộc và nhất mực cho rằng Nhật Bản không cần phải vĩnh viễn cáo lỗi về Thế chiến thứ Hai.
Để đánh dấu 70 năm ngày kết thúc chiến tranh hồi năm ngoái, Nhật hoàng đã đọc một thông điệp mang tính hòa giải hơn so với ông Abe khi ngài nói rằng, “Cùng nhau nhìn lại quá khứ với lòng hối tiếc sâu xa về cuộc chiến, tôi cầu nguyện rằng tấn thảm kịch chiến tranh sẽ không bao giờ lập lại, và cùng với dân chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu xa.”
Nhật hoàng cũng đã là người cực lực ủng hộ việc bảo toàn hiến pháp chủ hòa mà ông Abe muốn chỉnh sửa để bành trướng sức mạnh của quân đội.
Đông cung Thái tử Naruhito
Con trai và là người thừa kế của Nhật hoàng, Đông cung Thái tử Naruhito đã tiếp quản một số nhiệm vụ chính thức của vua cha.
Đông cung thái tử dự kiến sẽ ủng hộ các lập trường của thân phụ dành hậu thuẫn cho hiến pháp chủ hòa và duy trì một đường lối hòa giải trong việc đối phó với những quan ngại của các nước láng giềng với Nhật Bản.
Chuyên gia Hosaka nêu nhận định:
“Khi cần đến chủ thuyết của thái tử về hòa bình trong một số trường hợp, thì có khả năng thái tử có thể đóng vai trò của một người trung gian trẻ tuổi có thể gây ảnh hưởng đến tình hình hiện tại.”
Năm ngoái, trong một cuộc thảo luận về sự tham gia của Nhật Bản trong việc đẩy tới 200 ngàn phụ nữ đến chỗ làm nô lệ tính dục trong thời chiến, Thái tử Naruhito dường như đã khiển trách những người theo chủ nghĩa dân tộc tìm cách phủ nhận hay giảm nhẹ những lời than phiền.
Ngài nói: “Điều quan trọng là nhìn lại quá khứ với sự khiêm tốn và truyền lại một cách đúng đắn kinh nghiệm đau thương và con đường lịch sử mà Nhật Bản đã đi qua.”