Nhật Bản sắp đưa chiến hạm lớn nhất đến Biển Đông

Trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đáp trên khu trục hạm Izumo.

Nhật Bản có kế hoạch đưa tàu chiến lớn nhất đến Biển Đông vào tháng 5 trong hải trình kéo dài 3 tháng, Reuters dẫn ba nguồn tin cho biết đây là chương trình phô diễn lực lượng hải quân lớn nhất của nước này trong khu vực kể từ Thế chiến thứ Hai.

Việc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ các vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đã gây ra mối quan ngại ở Nhật Bản và phương Tây. Hoa Kỳ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra trên biển và trên không trong khu vực nhằm khẳng định tự do hàng hải.

Theo kế hoạch, chiếc hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo, được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật cách đây hai năm, sẽ dừng lại tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận chung Malabar với các tàu hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7.

Các nguồn tin cho biết chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản sẽ trở về nước vào tháng Tám.

“Mục đích là để kiểm tra khả năng của Izumo bằng cách đưa tàu tham gia vào một sứ mệnh mở rộng”, một trong những nguồn tin thông thạo về kế hoạch cho biết. “Nó sẽ tham gia huấn luyện cùng với Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông”, nguồn tin ẩn danh cho biết thêm.

Phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản từ chối bình luận với Reuters về tin này.

Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển giàu trữ lượng dầu và khí đốt, nơi có lưu lượng thương mại hàng hải thông qua hàng năm lên đến khoảng 5 nghìn tỷ USD.

Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lại tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Một nguồn tin khác cho hay Nhật Bản cũng muốn mời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trong những tháng gần đây khi ông chỉ trích liên minh cũ của Hoa Kỳ, lên thăm tàu Izumo khi tàu này ghé thăm Vịnh Subic, cách Manila 100 km về phía tây.

Hoạt động của Nhật Bản diễn ra giữa bối cảnh nước Mỹ, dưới thời của Tổng thống Donald Trump, có vẻ như đang theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc. Washington đã chỉ trích việc xây dựng các đảo nhân tạo, các cơ sở quân sự của Trung Quốc và nêu quan ngại rằng các hoạt động trên có thể nhằm để hạn chế việc đi lại tự do trong khu vực.

Hồi tháng Giêng, Bắc Kinh khẳng định có chủ quyền “không thể chối cãi” đối với những hòn đảo tranh chấp sau khi Tòa Bạch Ốc cam kết sẽ bảo vệ “những lãnh thổ quốc tế”.

Tàu Izumo dài 249 mét (816.93 ft), lớn bằng những chiếc hàng không mẫu hạm thời Thế chiến thứ Hai của Nhật Bản. Tàu có thể chứa đến chín chiếc trực thăng. Izumo cũng tương tự như những chiếc hàng không mẫu hạm tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng không có khoang cho tàu và máy bay hạ cánh.

Nhật Bản trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, đã co kéo giới hạn hiến pháp của Nhật thời bình và hậu chiến. Nước này quy định tàu Izumo là một khu trục hạm vì hiến pháp cấm mua vũ khí tấn công. Con tàu đã giúp cho Nhật Bản phô diễn sức mạnh quân sự vượt ra khỏi lãnh thổ của mình.

Tàu Izumo đóng tại Yokosuka, gần Tokyo, cũng là nơi có chiếc hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Hạm độ 7 hải quân Hoa Kỳ. Nhiệm vụ chính của Izumo là chống tàu ngầm.