Vào ngày 10/7, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để phục hồi cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau thiên tai được xem là tồi tệ nhất trong vòng 36 năm, giết chết ít nhất 155 người, và những người sống sót đang đối diện với các nguy cơ sức khỏe do nhiệt độ cực nóng và tình trạng thiếu nước, trong lúc các nhân viên cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân.
Mưa lớn gây lũ lụt và lở đất ở miền tây Nhật Bản hồi tuần trước đã mang lại sự chết chóc và hủy diệt, đặc biệt là tại các khu dân cư được xây dựng cách đây nhiều thập niên gần sườn dốc. Chính phủ cho biết có khoảng 67 người mất tích.
Thủ tướng Shinzo Abe đã phải hủy bỏ một chuyến đi nước ngoài để lo việc đối phó với thảm họa đã khiến hàng triệu người phải di tản.
Hiện đã có điện lại cho khoảng 3.500 hộ, nhưng hơn 200.000 người vẫn không có nước trong lúc phải sống dưới ánh mặt trời thiêu đốt, với nhiệt độ chạm 33 độ C (91 độ F) ở một số khu vực khó tiếp cận nhất như thành phố Kurashiki.
Nhiều con đường bị bùn khô đóng cứng, xả đầy bụi mỗi khi xe cộ đi ngang qua.
Một phần tư quận Mabi, thuộc khu vực dễ bị lũ lụt Kurashiki, nằm kẹp giữa hai con sông, bị ngập hoàn toàn sau khi dòng nước mạnh gây vỡ đê.
Chính phủ đã dành ra 70 tỷ yên (khoảng 631 triệu đôla Mỹ) cho cơ sở hạ tầng, và dự trữ thêm 350 tỷ yên (3,15 tỷ đôla), Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết thêm rằng ngân sách bổ sung sẽ được xem xét nếu cần thiết.
Một số cư dân Mabi đã xem thường những cảnh báo về trận lũ lụt lịch sử trong khu vực.
Hầu hết các trường hợp tử vong trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề Hiroshima là do sạt lở đất tại những khu vực mà nhà được xây dựng trên sườn dốc từ những năm 1970. Nhiều người sinh sống tại đây mấy mươi năm qua chưa từng gặp thảm họa như vậy bao giờ.
Cũng trong ngày 10/7, một lệnh di tản mới đã được đưa ra tại một phần của Hiroshima, sau khi một con sông tràn bờ, ảnh hưởng đến 23.000 người.
Một cơn bão khác đang hướng đến các đảo xa của chuỗi đảo Okinawa, nhưng đã bị suy yếu và dự kiến sẽ không tác động đến bốn hòn đảo chính của Nhật Bản.