Nhật Bản mua tên lửa có khả năng tấn công Triều Tiên

Máy bay tàng hình F-35A. Nhật Bản cho biết ý định gắn tên lửa phối hợp tấn công JSM vào máy bay F-35A của nước này.

Nhật Bản sắp mua các tên lửa hành trình tầm trung, loại được bắn từ máy bay, có khả năng bắn tới Triều Tiên. Đây là thương vụ vũ khí gây tranh cãi tại quốc gia đã từ bỏ quyền phát động chiến tranh, theo Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itunori Onodera đã không đề cập đến Triều Tiên khi loan báo kế hoạch mua vũ khí và cho biết các tên lửa mới này sử dụng cho mục đích quốc phòng, còn Nhật Bản vẫn dựa vào Hoa Kỳ để tấn công bất cứ căn cứ địch quân nào.

“Chúng tôi có kế hoạch giới thiệu tên lửa phối hợp tấn công JSM sẽ được gắn trên máy bay tàng hình F-35A như những tên lửa có thể tấn công rộng hơn phạm vi các mối đe dọa của đối phương”, Reuters dẫn lời ông Onodera phát biểu tại một cuộc họp báo.

Nhật Bản cũng đang tìm cách gắn tên lửa không-đối-địa JASSM-ER của hãng Lockheed Martin của Mỹ vào máy bay tiêm kích F-15.

JSM, được thiết kế bởi công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy, có tầm hoạt động 500 km. Trong khi đó, JASSM-ER có thể đạt mục tiêu 1.000 km.

Kế hoạch mua tên lửa có thể sẽ phải đối mặt với những chỉ trích từ các đảng đối lập tại Quốc hội Nhật Bản, đặc biệt là từ phía các chính trị gia lo ngại về thay đổi của Nhật Bản trong việc từ bỏ quyền phát động chiến tranh, đã được ghi trong Hiến pháp nước này sau Đệ nhị Thế chiến.

Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng do tên lửa đạn đạo Triều Tiên đã khiến các chính trị gia Nhật Bản gấp rút thúc đẩy chuẩn bị một lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn, có khả năng ngăn chặn Triều Tiên tấn công.

Lực lượng tên lửa của Nhật Bản bị giới hạn trong phạm vi phòng không và chống tàu nhỏ với tầm bắn dưới 300 km (186 dặm).

Thay đổi này cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên đã dẫn đến những đề xướng về khả năng tấn công trong chiến lược quân sự của Nhật.

Gần đây, Triều Tiên đã phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo sang Nhật. Tuần trước, Bình Nhưỡng thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đạt tới độ cao hơn 4.000 km trước khi rớt xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.