Nhà xuất bản Đại học Cambridge của Anh đã bác bỏ yêu cầu từ một công ty nhập khẩu quốc doanh Trung Quốc đòi ngăn chặn truy cập trực tuyến tại Trung Quốc đối với các bài viết học thuật từ chuyên san American Political Science Review.
"Công ty nhập khẩu Trung Quốc có đưa ra một yêu cầu, nhưng nhà xuất bản Đại học Cambridge không thực hiện theo yêu cầu đó, vì thế không có nội dung nào bị chặn," một phát ngôn viên của nhà xuất bản cho hãng tin Reuters biết trong một phát biểu qua email.
Văn phòng Thông tin Quốc Vụ Viện Trung Quốc nói với Reuters hôm thứ Sáu rằng các công ty nhập khẩu ấn phẩm nước ngoài phải xác minh rằng những sản phẩm đó là hợp pháp.
Vào tháng Tám, nhà xuất bản Đại học Cambridge đã đảo ngược quyết định ngăn chặn truy cập trực tuyến ở Trung Quốc đối với hàng trăm bài viết và bài phê bình sách trong China Quarterly, một chuyên san học thuật hàng đầu về các vấn đề Trung Quốc mà đã được ấn hành từ những năm 1960.
Họ nói rằng trước đây họ đã chặn các bài viết, bao gồm các chủ đề nhạy cảm như các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Cuộc Cách mạng Văn hoá 1966-1976 và Tây Tạng, nhằm giữ cho các tài liệu học thuật và giáo dục khác của họ vẫn được xuất hiện ở Trung Quốc.
Các học giả gọi quyết định đó là một sự sỉ nhục đối với tự do học thuật.
Văn phòng Thông tin Quốc Vụ Viện, trả lời qua fax hai tuần sau khi Reuters yêu cầu bình luận, cho biết các nhà xuất bản tự mình quyết định nhập khẩu tài liệu dựa trên nhu cầu thị trường và luật pháp.
"Tất cả các ấn phẩm nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc đều phải tuân theo luật pháp và quy định của Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu ấn phẩm có trách nhiệm kiểm tra nội dung các ấn phẩm nhập khẩu của họ," thông cáo nói, mà không đề cập đến nhà xuất bản Đại học Cambridge.