Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi hơn 1.000 nghệ nhân đã giúp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong cái mà ông gọi là "dự án của thế kỷ", 5 năm rưỡi sau khi hỏa hoạn thiêu rụi kiệt tác kiến trúc Gothic này.
Nhà thờ, được xây dựng vào thế kỷ 12 và là một trong những di tích được yêu thích cũng như được ghé thăm nhiều nhất của thủ đô nước Pháp, sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới để đón khách du lịch và tín đồ Công giáo.
"Chúng ta chưa bao giờ thấy một công trường xây dựng nào như vậy. Tất cả các bạn đều có phần trong dự án của thế kỷ này", ông Macron phát biểu trước một cuộc tụ họp gồm thợ mộc, thợ xây, người phục chế tác phẩm nghệ thuật, lính cứu hỏa và các nhà tài trợ.
"Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà là một vết thương quốc gia và các bạn chính là phương thuốc chữa lành vết thương đó, (khôi phục nhà thờ) thông qua sự quyết tâm, làm việc chăm chỉ và tận tâm."
Những người tham gia công trình phục dựng lại nhà thờ này, bao gồm các thành viên của nhóm tinh hoa 'Compagnons du Devoir', một hội thợ thủ công lâu đời hàng thế kỷ được coi là tinh hoa nhất của Pháp, đã vỗ tay hoan nghênh khi Tổng thống Macron kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời 'cảm ơn' cuối cùng.
Công trình tái thiết đã khôi phục lại đỉnh tháp của nhà thờ, khung mái vòm, trụ đỡ bay, cửa sổ kính màu và tượng đầu thú trạm khắc bằng đá. Những đồ trang trí bằng đá trắng và vàng sáng hơn bao giờ hết sau công cuộc phục dựng.
Nhà thờ giờ đây khác xa so với buổi tối ngày 15/4/2019, khi khán giả truyền hình ở Pháp và trên toàn thế giới kinh hoàng chứng kiến mái nhà thờ và đỉnh tháp bùng cháy rồi sụp đổ trong một đám cháy dữ dội, đe dọa cả các tháp chuông chính, vốn đã suýt bị phá hủy.
Khi đến thăm địa điểm này, ông Macron dường như vô cùng ấn tượng khi ánh sáng tràn vào gian giữa nhà thờ qua các cửa sổ được khôi phục lại.
"Thật choáng ngợp", ông nói khi tham quan nhà thờ cùng phu nhân Brigitte, thị trưởng Paris Anne Hidalgo và các quan chức cấp cao khác.
‘Ngoại lệ’
"Đó là một dự án cải tạo ngoại lệ", thợ khắc đá Samir Abbas, 38 tuổi, nói với Reuters, khi bày tỏ sự nhẹ nhõm vì đã hoàn thành đúng tiến độ.
Một buổi lễ khánh thành – có sự tham dự của những người nổi tiếng và nguyên thủ quốc gia – được lên kế hoạch vào tối ngày 7/12, theo sau là nhiều ngày lễ đặc biệt để chào mừng việc mở cửa trở lại và cảm ơn những người đã giúp giải cứu cũng như xây dựng lại nhà thờ.
Rất nhiều tiền từ khắp nơi trên thế giới đã được đổ vào để cải tạo – hơn 840 triệu euro (882 triệu USD), theo văn phòng của Tổng thống Macron – đến nỗi vẫn còn tiền để đầu tư thêm vào việc tu bổ nhà thờ.
Giáo hội Công giáo hiện kỳ vọng nhà thờ sẽ đón khoảng 15 triệu du khách mỗi năm.
"Chúng tôi rất mong muốn được chào đón toàn thế giới dưới mái nhà thờ Đức Bà của chúng tôi", Tổng giám mục Laurent Ulrich của Paris cho biết trong một thông điệp trên trang web của nhà thờ, bày tỏ lòng biết ơn của Giáo hội đối với tất cả những người đã giúp cứu nhà thờ.
"Vào đêm ngày 15 tháng 4, hàng trăm nghìn người đã cam kết thực hiện một canh bạc mà khi đó có vẻ là bất khả thi: khôi phục lại nhà thờ và trả lại vẻ tráng lệ cho nó trong thời hạn chưa từng có là 5 năm".
Danh sách khách mời tham dự lễ khánh thành vẫn chưa được công bố, nhưng một nguồn tin thân cận với kế hoạch cho biết đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden sẽ đến dự trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa xác nhận sự tham dự của ông.
Người dân Paris bày tỏ sự phấn khích và an tâm trước viễn cảnh nhà thờ được mở cửa trở lại.
"Tôi rất vui", kiến trúc sư 50 tuổi Sebastien Truchot, sống gần đó, cho biết. "Cho dù bạn có tin vào Chúa hay không, Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn là một biểu tượng toàn cầu, và thật tuyệt vời khi được trở lại và khám phá nó".
Albert Abid, một người bán sách có quầy hàng trên bến cảng, đã rất sốc khi chứng kiến nó bị cháy cách đây 5 năm. "Thật an lòng. Cuối cùng, Nhà thờ Đức Bà Paris đã được khôi phục", ông nói.