Các giới chức Tây phương cũng như các đồng minh tại Trung Đông, đang tìm cách theo dõi sát sự kiện có thể là một chương trình đầy tham vọng và đang được phát triển về vũ khí hóa học của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đưa ra lời cảnh báo mới nhất sau những vụ tấn công khủng bố vào Paris làm ít nhất 129 người thiệt mạng.
Ông Valls nói với quốc hội Pháp: “Chúng ta biết và ghi nhớ rằng có nguy cơ về vũ khí hóa học hay vũ khí vi trùng. Chúng ta không nên loại trừ chuyện gì cả”.
Cảnh báo từ người Kurd
Cho đến nay, các giới chức người Kurd là những người đã lên tiếng lớn nhất về những quan ngại. Các giới chức này nhiều lần cáo buộc các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tìm cách sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq và Syria.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA, Giám đốc Cơ quan Tình báo của Chính phủ Vùng Kurdistan, ông Lahur Talabani, nói: “Họ có những phòng thí nghiệm tại Mosul và Raqqa và đang bận rộn chế tạo vũ khí hóa học”.
Ông Talabani nói tiếp: “Nếu họ có một loại vũ khí hóa học tiên tiến, thì mọi sự sẽ còn tồi tệ hơn hiện nay”.
Trong khi quan ngại về việc Nhà nước Hồi giáo tích cực theo đuổi các loại vũ khí sát thương, các giới chức Hoa Kỳ tỏ ra dè dặt hơn về khả năng thực sự của Nhà nước Hồi giáo.
Một giới chức chống khủng bố Mỹ nói với Đài VOA: “Sẽ không có gì lạ nếu Nhà nước Hồi giáo có khả năng chế tạo được một số vũ khí căn cứ trên chất chlorine thô, sử dụng những chất liệu thông thường và có sẵn. Tuy vậy, vẫn còn một chặng đường dài giữa loại vũ khí thô sơ như vậy với một chương trình vũ khí hóa học thực sự”.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói ít nhất vào lúc này, “không có tin tức được xác nhận hay có thể dựa vào để hành động” liên hệ đến việc nhóm khủng bố này theo đuổi một chương trình vũ khí hóa học hay sinh học.
Thiếu tá James Brindle nói: “Chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến việc Nhà nước Hồi giáo chú trọng và có ý định có được bất cứ loại vũ khí nào, hóa học, sinh học hay phóng xạ. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra rất chặt chẽ tất cả những cáo buộc này và cảnh giác về mối đe dọa sử dụng vũ khí hóa học hay những loại vũ khí tương tự”.
Lo ngại của Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học
Trước đây trong tháng, Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học kết luận là vũ khí hóa học đã được sử dụng trong các cuộc giao tranh hồi tháng Tám với sự can dự của Nhà nước Hồi giáo tại Marea, phía bắc Aleppo, Syria.
Báo cáo cho biết: “Toán điều tra có thể xác nhận được với sự tin tưởng tuyệt đối là ít nhất có hai người bị nhiễm khí lưu huỳnh mù tạt. Thêm vào đó có rất nhiều phần chắc là ảnh hưởng của chất lưu huỳnh mù tạt đã đưa đến cái chết của một em nhỏ”.
Nhưng Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học không giải quyết được vấn đề là bên nào chịu tránh nhiệm trong vụ này.
Mới tháng trước, các giới chức người Kurd cho hay xét nghiệm máu của các chiến binh Peshmerga chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo ở gần Irbil vào tháng 8 năm nay cho thấy bằng chứng họ bị nhiễm khí lưu huỳnh mù tạt do đạn súng cối bắn ra có chứa hóa chất này.
Quân đội Hoa Kỳ cũng đang điều tra về những cáo buộc là Nhà nước Hồi giáo tấn công bằng vũ khí hóa học vào các chiến binh Peshmerga người Kurd gần Makhmur vào ngày 11 tháng 8 năm nay.
Chuẩn tướng Kevin Killea thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Hành quân Hỗn hợp Quyết tâm Sẵn có nói vào lúc đó các mẫu này được các chiến binh Peshmerga gởi đến một “phòng thí nhiệm có uy tín, một phòng thí nghiệm quốc tế để phân tách lần cuối cùng”.
Ông Killea cũng tìm cách hạ giảm những lo ngại về việc liệu các lực lượng Mỹ trong vùng có sẵn sàng ứng phó với việc Nhà nước Hồi giáo sử dụng vũ khí hóa học hay không.
Ông nói với các phóng viên tại Ngũ Giác Đài rằng: “Việc huấn luyện trước khi điều động mà tất cả các binh sĩ phải trải qua chuẩn bị cho họ đối phó với các tình huống xấu nhất có thể tưởng tượng được trong trường hợp các loại vũ khí hóa học, sinh học hay phóng xạ được sử dụng”.
Ông Killea nói thêm: “Chúng ta chỉ cần theo dõi tình hình và đánh giá các mối đe dọa, và giải quyết những đe dọa này tùy theo mức độ mối đe dọa có thể thay đổi hay không”.