Nhà hoạt động TQ bị kết án tù vì chống kiểm duyệt

Bà Zhang Qing (trái), vợ của nhà hoạt động Guo Feixiong, và con gái Yang Tianjiao phát biểu tại buổi họp báo trước một phiên điều trần của Tiểu ban Ngoại giao Hạ viện ở Washington DC, ngày 29/10/2013.

Trung Quốc tuyên phạt ba nhà tranh đấu nhân quyền những án tù nặng vì họ đã tham gia một cuộc chống đối kiểm duyệt năm 2013.

Luật sư của ba nhà tranh đấu này, ông Trương Lỗi, nói với đài VOA rằng bản án tuyên phạt nhà tranh đấu Quách Phi Hùng 6 năm tù khiến ông "kinh ngạc và phẫn nộ." Luật sư Trương nói rằng tòa án đã ghép thêm một cáo buộc hình sự vào vụ án của thân chủ ông không lâu trước khi phiên xử khai mạc hôm thứ Sáu.

"Cách thức tòa án đơn phương áp đặt các cáo trạng hình sự mới đối với bị cáo chưa từng có từ trước đến nay. Thật là kinh động và khủng khiếp," luật sư Trương nói hôm thứ Sáu.

Nhà tranh đấu Lưu Viễn Đông bị tuyên án 3 năm tù, và nhà tranh đấu Tôn Đức Thắng bị tuyên án 2,5 năm tù vì đã tham gia cuộc chống đối đó. Cả ba bị cáo buộc đã "tập họp các đám đông phá rối trật tự xã hội," Ông Quách còn bị truy tố thêm tội "gây gổ và phá rối." Cả hai cáo buộc này thường xuyên được sử dụng rộng rãi để chống các nhà bất đồng chính kiến.

Cuộc chống đối mà các nhà tranh đấu này tham gia là cuộc biểu tình một tuần lễ vào năm 2013 bên ngoài tòa soạn báo Southern Weekly. Những người biểu tình kêu gọi Bắc Kinh bỏ kiểm duyệt gây ảnh hưởng đến tờ báo.

Luật sư Trương bày tỏ lo ngại về sức khỏe của ông Quách. Ông cho biết tình trạng sức khỏe của thân chủ ông suy giảm kể từ khi bị bắt vào năm 2013. Luật sư Trương nói ông Quách, 48 tuổi, bị giam trong buồng giam đông người, và không được cho ra ngoài để tập thể dục, và cách làm đó vi phạm tiêu chuẩn quốc tế về đối xử với người tù.

Ông cũng cho biết thân chủ ông bị đối xử thô bạo tại tòa. Ông nói các cảnh sát viên áp giải ông Quách đã làm tay ông bị thương.

Hội Ân xá Quốc tế nói rằng ông Tôn Đức Thắng bị cùm chân tay trong một thời gian dài khi bị giam giữ.

Tổ chức Human Rights Watch cũng mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi Trung Quốc bỏ tất cả những cáo buộc đối với ba nhà tranh đấu này.

Các tổ chức bênh vực nhân quyền và các nước phương Tây nhiều lần bày tỏ lo ngại về chiến dịch mở rộng của chủ tịch Tập Cận Bình trấn áp những tiếng nói bất đồng, trong đó có các nhà báo, cánh nhà tranh đấu và các học giả.