Nhà chức trách Việt Nam đã kết tội nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân,” theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Ông Lĩnh bị bí mật tuyên án 12 năm tù, tổ chức Người bảo vệ nhân quyền, Defend the Defenders cho biết đã được gia đình báo tin.
Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền dẫn lời người chị dâu của ông Lĩnh, bà Hồ Thị Lan, nói rằng ông đã bị Tòa án Nhân dân Hà Nội bí mật xét xử vào tháng 7 vừa rồi, gia đình không ai được mời đến dự phiên xét xử mà chỉ được công an địa phương thông báo sau phiên tòa.
Bà Lan nói thêm rằng chính quyền không chấp nhận luật sư mà gia đình mướn để bảo vệ cho Lĩnh, và do đó Lĩnh không có luật sư đại diện trước phiên tòa.
Trước khi bị xét xử, ông Lĩnh đã được đưa đến một cơ sở về tâm thần để kiểm tra sức khỏe nên nhiều người tưởng rằng ông vẫn bị giữ ở đó, như trường hợp của blogger Lê Anh Hùng cũng từ Hà Nội, blogger này đã bị cưỡng bức phải điều trị tâm thần trong nhiều tháng.
Hôm 25/5/2018, ông Lĩnh đã đăng một tuyên bố trên trang Facebook, kêu gọi biểu tình ôn hòa để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, ông bị lực lượng an ninh bắt giữ vào cuối tháng 5 năm 2018.
Nguyễn Trung Lĩnh sinh năm 1967, quê tỉnh Thanh Hóa, ông sang Cộng hòa Séc vào giữa năm 1980 theo học chương trình cử nhân. Chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu vào đầu những năm 1990, ông làm việc cho một cơ sở do sinh viên thân dân chủ Việt Nam thành lập ở Praha.
Trở về Việt Nam vào giữa những năm 1990, ông bị lực lượng an ninh bắt giữ nhưng không bị truy tố. Sau đó, Nguyễn Trung Lĩnh bị bắt vì viết bài ủng hộ dân chủ và tìm cách thành lập một tổ chức với các nhà hoạt động khác. Ông bị đưa đến viện điều trị tâm thần trong một thời gian ngắn thay vì ngồi tù.
Người chị dâu cho biết, trong 20 năm qua, ông Lĩnh liên tục bị an ninh Hà Nội đàn áp. Ông bị bắt và bị giam giữ nhiều lần mà không bị buộc tội.
Ông Lĩnh đã nhiều lần bị cảnh sát theo dõi hành hung khi ông tiếp xúc với những nhà hoạt động khác hoặc đưa hai con đi học. Bà Lan cho biết là trong một trường hợp, xe máy của ông bị họ đâm vào, khiến con trai lớn của ông bị thương nặng ở đầu.
Ngoài bị hành hung, cảnh sát còn đe dọa sẽ đưa ông trở lại viện điều trị tâm thần nếu ông tiếp tục viết bài vận động dân chủ đa đảng.
Công an Hà Nội còn phổ biến thông tin sai sự thật rằng Lĩnh bị mắc bệnh tâm thần nhằm mục đích cô lập ông với các nhà hoạt động khác. Đồng thời, họ còn ngăn cản các hoạt động kinh tế của ông.
Công an còn đe dọa người thân của Nguyễn Trung Lĩnh để ngăn họ lên tiếng hỗ trợ ông, bà Lan lưu ý và cho biết thêm, do đó, rất ít người hiểu hoàn cảnh của ông.
Ngoài lạm dụng các điều khoản gây tranh cãi viện lẽ an ninh quốc gia để bắt giữ và kết tội những người bất đồng chính kiến, lực lượng an ninh Việt Nam còn dùng các biện pháp khác để bức hại các nhà hoạt động, như bắt cóc, tra tấn về cả thể xác lẫn tinh thần, theo dõi chặt chẽ và phong tỏa các hoạt động kinh tế. Nhiều nhà bất đồng bị bắt và tống giam trong thời gian dài mà không qua xét xử.
Các nhà bảo vệ nhân quyền, hoạt động xã hội và các blogger nói kết án Nguyễn Trung Lĩnh là một phần nằm trong chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến. Trong năm nay đã có khoảng 30 nhà hoạt động bị bắt và bị kết án cùng với 29 người khiếu kiện đất đai ở xã Đồng Tâm, Hà Nội.
Bản án dành cho Nguyễn Trung Lĩnh là bản án dài nhất cho tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Năm ngoái, giảng viên đại học Nguyễn Năng Tĩnh bị kết án 11 năm tù vì cùng tội danh.