Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, người thường tự gọi mình là “Ông Ké”, bị một tòa án Việt Nam tuyên phạt 6 năm tù cho tội danh “chống phá nhà nước” trong một phiên xử kín ở Hà Nội mà trước đó ông yêu cầu được xét xử công khai.
Phiên tòa xét xử ông Thắng, người cũng là một blogger nổi tiếng từng cộng tác với Đài Á châu Tự do và nhiều lần trả lời phỏng vấn với đài VOA, đều có trụ sở ở Mỹ, đã diễn ra bất chấp những lời kêu gọi từ các tổ chức nhân quyền quốc tế trước đó yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông, người mà họ cho là đáng được hoan nghênh thay vì đối mặt với nhiều năm tù.
Luật sư Lê Đình Việt, một trong 4 luật sư bào chữa cho ông Thắng tại phiên tòa hôm 12/4 cho VOA biết Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Thắng 6 năm tù và 2 năm quản chế về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, một điều luật mà giới đấu tranh cho dân chủ và các tổ chức nhân quyền lên án là “mơ hồ”.
LS Việt cũng cho biết rằng tòa tuyên án chỉ sau khoảng 5 tiếng đồng hồ trong phiên xử kín mà vị luật sư này nói là không được phép chia sẻ những gì đã diễn ra tại đó.
Vị luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay ông cùng các luật sư bào chữa và ông Thắng đã kiến nghị xét xử công khai vì cho rằng phiên tòa “không thuộc trường hợp phải xử kín theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự”. Tuy nhiên, tòa vẫn quyết định xử kín mà không đưa ra lời giải thích, theo LS Việt.
Gia đình ông Thắng, người được biết tiếng ở Việt Nam trong dòng họ Nguyễn Lân với những người con đều là giáo sư và tiến sĩ, không được tham dự phiên tòa với tư cách người thân, theo LS Việt. Tuy nhiên, vẫn LS Việt thuật lại rằng bà Lê Bích Vượng, vợ ông Thắng, được phép tham dự do tòa triệu tập với “tư cách tố tụng theo quy định của pháp luật”.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân sau phiên tòa, bà Vượng cho biết mức án 6 năm tù, 2 năm quản chế khiến bà “choáng váng đến mức khó có thể định hình được điều đang xảy ra với anh Thắng, tôi và gia đình” bởi bà “hy vọng nhiều hơn về sự tự do cho những việc làm mang ý nghĩa tích cực và tốt đẹp mà chồng tôi đã và đang làm”. Nhưng bà thấy được an ủi vì “được nhìn thấy chồng sau gần 10 tháng xa cách”.
Ông Thắng, người thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam, bị bắt vào tháng 7 năm ngoái với cáo buộc kể trên theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Đây cũng là cáo buộc mà chính quyền Việt Nam dùng để kết án tù nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất trong nước là Phạm Đoan Trang, người đang thụ án 9 năm tù tại quốc gia Đông Nam Á chỉ có Đảng Cộng sản được nắm toàn quyền lãnh đạo đất nước.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, được truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý đăng tải, nói rằng ông Thắng, 48 tuổi, “trực tiếp tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng, đăng tải lên Internet nhiều video có nội dung tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cáo trạng, được Hà Nội Mới và Tuổi Trẻ dẫn lại, nói rằng ông Thắng, đăng tải và “tàng trữ” các tài liệu có nội dung “tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân” hay “tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.
Trước ngày xét xử, Luật sư Lê Văn Luân, một trong những người bào chữa cho ông Thắng, nói với VOA rằng ông Thắng cho rằng ông vô tội. Bà Vượng cũng nói với VOA rằng chồng bà vô tội và rằng ông Thắng phủ nhận việc “tàng trữ các tài liệu chống nhà nước”. Theo bà Vượng, việc ông Thắng trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, trong đó có VOA, “không vi phạm pháp luật” và “không chống nhà nước”.
Được biết, ông Thắng bắt đầu hoạt động từ đầu thập niên 2000 qua việc tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Theo HRW, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ và đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ông, ông Thắng phản ứng lại với động thái trấn áp thẳng tay nhằm vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bằng cách “mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác như bênh vực dân oan, chống cướp bóc đất đai, bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ quyền con người, phổ biến pháp luật...”
Cáo trạng của Viện Kiểm sát còn cho rằng ông Thắng “vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân”, theo Hà Nội Mới và Tuổi Trẻ. Cùng ngày, các trang tin “Chống phản động” trên mạng xã hội của Lực lượng 47 do Nhà nước hậu thuẫn cho rằng ông Thắng đã “xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong những đăng tải trên mạng xã hội trước đây, ông Thắng, lấy tên Nguyễn Lân Ké, nhại theo tên thân mật “Ông Ké” của Hồ Chí Minh, đưa ra những đăng tải mang tính châm chọc về người được xem là “lãnh tụ vĩ đại” ở Việt Nam. Ông Thắng, cũng là thành viên sáng lập Đội bóng No-U FC giờ đã ngừng hoạt động, công khai ủng hộ việc hoạt động ôn hòa và từng nói rằng ông mong muốn đấu tranh “vì một thế hệ trẻ Việt Nam ngày mai: hiểu biết, tôn trọng, không cuồng tín, không bạo lực”.
Trong bức thư gửi đến TAND TP Hà Nội trước phiên tòa, bố mẹ ông Thắng, giáo sư Nguyễn Lân Tráng và tiến sĩ Trần Thảo Nguyên, nói rằng con trai họ “học được rằng nếu lãnh đạo có sai phạm thì phải lên tiếng, để rồi cùng sửa sai trước khi quá muộn màng”. Hai vị phụ huynh thuộc tầng lớp trí thức còn viết rằng con trai mình “đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước” và “chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội”.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của HRW, cho rằng bản án nhiều năm tù mà nhà cầm quyền vừa tuyên cho ông Thắng là “hoàn toàn thái quá và không thể chấp nhận được”. Trong một đăng tải trên Twitter hôm 12/4, ông Robertson nói rằng bản án “một lần nữa cho thấy nhân quyền không được tôn trọng, không có công lý ở Việt Nam”.
Cùng ngày, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) đưa ra một thông cáo chỉ trích việc chính quyền Việt Nam kết án ông Thắng và kêu gọi họ “hủy bỏ bản án” cũng như trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho blogger này. Tổ chức chuyên cổ vũ cho công lý và nhân quyền có trụ sở ở Geneva, Thụy Sỹ, cho rằng việc truy tố ông Thắng dựa trên những “cáo buộc ngụy tạo nhằm trả thù việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và công việc hợp pháp của ông với tư cách là một nhà báo.”
Theo LS Việt, “việc cáo buộc một số người khi họ có những phát ngôn hoặc tham gia vào những hoạt động xã hội” với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 “là một vấn đề không phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật, trong đó có hiến pháp, bộ luật hình sự và công ước quốc tế về các quyền chính trị dân sự mà Việt Nam tham gia vào năm 1982”.
Ông Việt cho biết các luật sư đã và đang tiếp tục kiến nghị loại bỏ điều luật mà ông cũng cho là “mơ hồ” vì, theo họ, bất kỳ ai khi có những phát ngôn, dù chỉ là những quan điểm cá nhân hoặc đôi khi là những quan điểm mang tính đóng góp cũng “rất dễ bị xử lý theo điều 117”.
Luật sư Việt nói rằng chưa biết gia đình ông Thắng có kháng cáo bản án này hay không.