Nhân vật đối lập nổi tiếng của Campuchia Sam Rainsy hôm thứ Sáu 19/5 lên án cuộc bầu cử vào tháng 7, gọi đó là một trò hề, sau khi đảng đối lập duy nhất bị loại. Ông Sam Rainsy cũng chế giễu kế hoạch của Thủ tướng Hun Sen đã cầm quyền lâu năm sắp xếp để con trai kế vị mình.
Ông Sam Rainsy nói với Reuters bên lề một sự kiện về tự do bầu cử và tự do báo chí ở Jakarta: “Giờ đây, ngay cả cái vỏ của nền dân chủ cũng đã sụp đổ ở Campuchia”.
Ông Sam Rainsy - người đồng sáng lập một chính đảng mới, cũng bị cấm hoạt động - đã sống lưu vong và bị kết án vắng mặt với nhiều tội danh, bao gồm cả một bản án hồi tháng 3 năm ngoái khi một tòa án tuyên ông phạm tội âm mưu lật đổ chính phủ.
Ông nói rằng quyết định hôm 15/5 của ủy ban bầu cử Campuchia loại bỏ đảng Ánh nến, với lý do mà họ nêu ra là không nộp các tài liệu đăng ký thích hợp, đồng nghĩa là cuộc bỏ phiếu vào tháng 7 sẽ là một cuộc bầu cử "giả dối và không chính danh".
Vẫn ông Sam Rainsy nói: “Thật là một trò đùa khi gọi Campuchia là một nền dân chủ. Campuchia là một chế độ chuyên quyền".
Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của ông Hun Sen nói rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra tự do và công bằng, đồng thời cho biết thêm rằng hơn 10 đảng khác đã đăng ký.
“Cuộc bầu cử sẽ là sự lựa chọn của người dân Campuchia”, phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan nói với Reuters hôm 19/5.
Đảng Ánh nến dự kiến sẽ kháng cáo quyết định kể trên, nhưng nếu không thành công, đây sẽ là cuộc bầu cử thứ hai liên tiếp mà đảng đối lập chính bị ngăn cản tranh cử.
Đảng Ánh nến là một hiện thân khác của đảng đối lập nổi tiếng trước đây có tên đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đã bị Tòa án Tối cao giải tán vào năm 2017.
Ông Sam Rainsy là người đồng sáng lập CNRP.
Những người chỉ trích cho rằng ông Hun Sen, đã nắm quyền từ năm 1998, ngày càng trở nên chuyên quyền, với thực tế là nhiều nhân vật đối lập nổi bật đang bị bỏ tù hoặc phải đi lưu vong.
Ông Sam Rainsy, đã bị cấm quay trở lại Campuchia trong nhiều năm, cũng chỉ trích điều mà ông mô tả là sự trỗi dậy của nền chính trị "phong kiến và bè phái" ở Campuchia, với ví dụ nổi bật là việc ông Hun Sen đã công khai tiến cử con trai mình, Hun Manet, làm người thừa kế chính trị của mình.
Hun Manet, một viên tướng trong quân đội Campuchia, đang ứng cử vào Quốc hội lần đầu tiên trong cuộc bầu cử vào tháng 7, theo danh sách ứng cử viên của đảng cầm quyền.
"Đối với ông Hun Sen, quyền lực đồng nghĩa với quyền miễn trừ. Ông ta biết rằng khi mất quyền lực, ông ta sẽ mất đi quyền miễn trừ ", ông Sam Rainsy nói, "Đó là lý do tại sao ông ta muốn con trai thay thế mình".
(Reuters)