Nhà báo tự do: Đáng buồn vì đài báo trực thuộc chính phủ im tiếng về Hoàng Sa

Một hình ảnh về hoạt động tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa được ghi lại năm 2016

Một số báo, trang tin đông người theo dõi ở Việt Nam gồm Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VNExpress hôm 19/1 đăng các bài viết gợi nhớ đến cuộc hải chiến Hoàng Sa xảy ra cách đây 47 năm.

Trong khi đó, các báo đài trực thuộc chính phủ và Đảng Cộng sản gồm Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, VOV, VTV không lên tiếng về sự kiện này, theo quan sát của nhà báo tự do Chu Vĩnh Hải, và ông nói với VOA rằng đó là điều đáng buồn, đáng trách.

Quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông bị Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Nam Việt Nam, vào đầu năm 1974. Nước Việt Nam thống nhất sau đó, nay mang tên chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền về quần đảo, mặc dù cho đến nay không nắm giữ thực thể nào ở đó.

Hải chiến Hoàng Sa nổ ra sáng ngày 19/1/1974, ít ngày sau khi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cố gắng ngăn chặn việc Trung Quốc đưa người của họ lên chiếm một số đảo.

Theo lời kể của các sĩ quan hải quân VNCH trực tiếp tham gia trận đánh, lúc 10h25 phút ngày hôm đó, 4 tàu chiến của VNCH nổ súng tấn công 4 tàu chiến Trung Quốc.

Sau khoảng 30 phút đấu pháo dữ dội, tất cả các tàu của cả hai bên đều trúng đạn, chịu thiệt hại, nhưng 1 tàu của VNCH phải bỏ lại, 3 tàu khác của VNCH rút lui. 75 binh sĩ VNCH tử trận trong hải chiến, phía Trung Quốc nói họ mất 18 quân nhân.

Đến 11h10 phút ngày 19/1/1974, hải quân Trung Quốc tăng viện với 2 tàu chiến nữa và chiếm toàn bộ Hoàng Sa.

Các báo đài của chính phủ như VOV, báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân… không có thông tin gì về sự kiện hải chiến Hoàng Sa hết cả, và đó là điều rất đáng buồn, rất đáng trách ở đội ngũ những người làm báo ở Việt Nam.
Ông Chu Vĩnh Hải, nhà báo tự do


Nhắc nhở độc giả về sự kiện này, hôm nay, 19/1/2021, báo Tiền Phong thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đăng bài “Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: Vào Nguyệt Thiềm”.

Nội dung bài báo của Tiền Phong kể về “cuộc chiến âm thầm” giữa những ngư dân Việt đối đầu với tàu chiến Trung Quốc ở cụm Nguyệt Thiềm. Các ngư dân vẫn thường xuyên ra vào nơi này, bám biển mưu sinh và hương khói cho các tử sĩ VNCH, bài báo cho hay.

Cũng nói về các ngư dân đi ra nơi đầu sóng ngọn gió để “giữ biển trời tổ quốc”, bất chấp nguy cơ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm chìm, tính mạng như treo trên sợi tóc, tờ Thanh Niên thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng ngày đăng bài “Hoàng Sa xa mà gần: Có chồng đi biển Hoàng Sa”.

Nói về một khía cạnh khác, báo Tuổi Trẻ thuộc Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh đăng bài “Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa”.

Nội dung bài này nói về Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng, nơi tiếp nhận và lưu giữ các hình ảnh, tài liệu, hiện vật khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với Hoàng Sa và quyết tâm bảo vệ chủ quyền.

Vào chiều 19/1/2021, trang VNExpress tường thuật trong bài “Tri ân các nhân chứng Hoàng Sa” rằng ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, trong buổi sáng cùng ngày đã đến thăm các nhân chứng từng sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.

Ông Đồng được trang tin có nhiều độc giả trên mạng nhất ở Việt Nam trích lời nói rằng việc làm của ông có mục đích “tri ân những bậc cha ông đã bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ không quên Hoàng Sa là một phần máu thịt chưa về với đất mẹ Việt Nam”.

Từ Vũng Tàu, ông Chu Vĩnh Hải, một nhà báo tự do sau khi rời bỏ cơ quan báo chí nhà nước, bình luận với VOA về việc một số báo đăng bài về sự kiện Hoàng Sa trong khi các báo đài khác không đăng:

“Các báo đài của chính phủ như VOV, báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân… không có thông tin gì về sự kiện hải chiến Hoàng Sa hết cả, và đó là điều rất đáng buồn, rất đáng trách ở đội ngũ những người làm báo ở Việt Nam. Còn tôi nghĩ một số báo họ vượt rào họ đưa tin về sự kiến hải chiến Hoàng Sa thôi, chứ họ không được Ban Tuyên giáo bật đèn xanh đâu”.

Tàu cá ĐNa 90152TS (từng bị TQ đâm chìm) tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng. Photo Báo Đà Nẵng.

VOA quan sát thấy năm nay nhiều người Việt, bao gồm cả những người thuộc giới đấu tranh cho dân chủ, chỉ sử dụng mạng xã hội để tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, không có hoạt động tại địa điểm công cộng ở trong nước như các năm trước.

Đã 47 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. Ta có thể không thuộc hết lịch sử nước ta nhưng ta phải luôn luôn nhớ: Trung Quốc chưa bao giờ là bạn của Việt Nam.
Facebooker Phương Ngô


Trên Facebook, nữ đạo diễn Song Chi đưa ra ý kiến: “47 năm mất Hoàng Sa. Và nhiều khả năng là sẽ mất vĩnh viễn nếu nhà cầm quyền VN tiếp tục câm lặng, không dám đi kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế”.

Facebooker Phương Ngô, người thường lên tiếng phản biện xã hội, đăng danh sách 75 quân nhân VNCH tử trận trong hải chiến Hoàng Sa và viết rằng “Đã 47 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. Ta có thể không thuộc hết lịch sử nước ta nhưng ta phải luôn luôn nhớ: Trung Quốc chưa bao giờ là bạn của Việt Nam”.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết trên trang cá nhân rằng “Hoàng Sa là của Việt Nam. Tinh thần của các anh hùng tử sĩ bất diệt”.

Bà Đào Thu, một giảng viên đại học, bày tỏ trên mạng: “Tưởng nhớ những anh linh đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa”.

Ông Chu Vĩnh Hải giải thích với VOA vì sao tình hình hiện nay lại như vậy:

“Từ sau cuộc biểu tình phản đối luật đặc khu, luật an ninh mạng [tháng 6/2018], phong trào đấu tranh cho tự do ở Việt Nam chùng hẳn xuống, có thể do bắt bớ nhiều quá, rồi phong trào bị chia rẽ. Nhưng mà rõ ràng là chính quyền bắt bớ nhiều quá nên phong trào đi xuống, hay nói chính xác là tạm lắng”.

Trong bối cảnh các đài báo chủ chốt của Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam hầu như không nhắc đến sự kiện Hoàng Sa, khi được hỏi liệu ông có lo ngại rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ không biết hoặc không quan tâm đến diễn biến trong lịch sử và chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, ông Chu Vĩnh Hải, năm nay 57 tuổi, nói với VOA:

“Tôi không bi quan đến mức độ đó. Internet phát triển, mạng xã hội phát triển, nên rất nhiều người từng bị mù thông tin thì bây giờ họ khai minh, khai trí rồi. Tôi nghĩ rằng lớp trẻ càng ngày càng biết nhiều về những sự thật mà lâu nay bị che mờ”.

Cách đây ít ngày, như VOA đã đưa tin, một buổi lễ tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa được cộng đồng người Việt tổ chức ở ngoại ô thủ đô Washington của Mỹ hôm 10/1. Mặc dù lễ tưởng niệm diễn ra trong bối cảnh có đại dịch Covid-19, nhưng khá đông người, đặc biệt là các bạn trẻ, đã tham gia buổi lễ.