Nhà báo kỳ cựu ra tối hậu thư với 55 người dùng bằng giả của trường Đông Đô

Trường đại học Đông Đô gặp bê bối vì 4 cán bộ trường bán hơn 600 bằng giả cho nhiều người.

Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong ở Hà Nội vừa đăng lên trang cá nhân thư ngỏ có tính chất như một tối hậu thư gửi đến “55 vị mua bằng giả của Đại học Đông Đô”, yêu cầu những người đó từ chức, nếu không ông sẽ công bố danh tính của họ.

Ông Phong, cũng là một cựu đại tá công an Việt Nam, nói với VOA rằng một trong những lý do của bức thư ngỏ là vì cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa công bố danh sách những người mua bằng.

Báo chí trong nước đưa tin trong một tuần nay rằng Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ trường Đại học Đông Đô, bao gồm cả hiệu trưởng trường này, vì họ đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả.

Trong số đó, có 55 người sử dụng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án, vẫn theo báo chí Việt Nam. Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an được báo chí dẫn lời nói rằng các trường hợp dùng bằng giả của trường Đông Đô đều là “những người có uy tín, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh”.

Tôi thấy lạ là tại sao đến bây giờ các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không công bố danh tính những người này. Tôi bức xúc và thấy cần phải lên tiếng.
Nhà báo-nhà văn Nguyễn Như Phong


Trong thư ngỏ đăng hôm 30/11 trên Facebook cá nhân có tổng cộng hơn 47.000 người theo dõi, ông Nguyễn Như Phong, nguyên Tổng Biên tập báo mạng PetroTimes, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân, cho hay ông hiện có danh sách 55 người mua bằng.

Cáo buộc những người mua bằng là “đồng phạm” với những người phạm tội có tổ chức ở Đại học Đông Đô, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong đưa ra một đề nghị mà ông nói là để giữ thể diện cho những người mua bằng, đó là: “Tôi hạn cho các vị trong 1 tháng, phải làm đơn xin rút ngay khỏi các chức vụ hiện có”.

“Quá thời hạn trên, nếu không thấy ai ‘nhúc nhích’, tôi sẽ công bố danh tính từng vị, theo thứ tự ABC”, ông Phong quả quyết, và viết thêm: “Dĩ nhiên, tôi chịu trách nhiệm về tính trung thực của danh sách này”.

Bài đăng của cựu tổng biên tập báo-cựu đại tá công an nhận được 7.000 phản ứng yêu, thích; hơn 160 lời bình luận ủng hộ, và được gần 1.000 người khác lan truyền qua chức năng “chia sẻ” của Facebook.

Bày tỏ quan điểm với VOA, ông Phong nhấn mạnh rằng tình trạng một bên có những người bán bằng giả để kiếm tiền, còn bên kia có những người mua bằng giả để tiến thân, để có chức quyền là “hết sức nguy hiểm, phá hoại xã hội và không thể tha thứ được”.

Về động lực đằng sau bức thư ngỏ của mình, nhà báo Nguyễn Như Phong nói:

“Tôi thấy lạ là tại sao đến bây giờ các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không công bố danh tính những người này. Tôi bức xúc và thấy cần phải lên tiếng. Tôi muốn xem sự thực là liêm sỉ của số người này còn đến đâu”.

"Tối hậu thư" của nhà báo-nhà văn Nguyễn Như Phong gửi đến 55 người dùng bằng giả (ảnh chụp màn hình hôm 1/12/2020)

Một đề nghị nữa được ông Phong nêu ra trong thư ngỏ là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những kẻ đồng lõa, hoặc những ai tạo điều kiện cho nhóm tội phạm có tổ chức ở Đại học Đông Đô thực hiện hành vi phạm tội.

Bài viết của ông Phong cũng được chia sẻ vào các diễn đàn trên mạng xã hội. Ở đó, nhiều người khen ngợi song cũng có người tỏ ý lo ngại rằng bức thư ngỏ có tính chất tối hậu thư có thể mang lại phiền phức, thậm chí gây nguy hiểm cho ông.

Tuy nhiên, người từng là tổng biên tập và phó tổng biên tập 2 tòa báo cho VOA biết ông không lo lắng:

“Tôi đã làm báo 40 năm, nhiều lần bị đe dọa, nhưng lần này chưa ai có lời nói tiêu cực, dọa dẫm hoặc đe nẹt. Số người ủng hộ tôi rất nhiều. Nhiều bạn bè, anh em gọi điện hỏi thăm”.

Vì trọng bằng cấp, người ta sẵn sàng làm tất cả mọi điều để có được tấm bằng. Một xã hội trọng bằng cấp thì người tài sẽ không bao giờ có chỗ đứng chân cả, xã hội ta sẽ thụt lùi.
Ông Nguyễn Như Phong


Bên cạnh những gì đã bày tỏ trên trang cá nhân có hàng chục nghìn người theo dõi, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong chia sẻ với VOA sự lo lắng của ông về “chủ nghĩa bằng cấp” quá nặng nề ở Việt Nam.

Dưới góc nhìn của ông, đó là một áp lực cho mọi người từ khi còn là học sinh lớp 1 cho đến cấp cao học. Theo quan sát của nhà báo-cựu đại tá công an này, trong một xã hội như vậy, nếu không có bằng cấp không thể tiến thân được, và đó là một điều nguy hiểm. Ông Phong nói thêm:

“Vì trọng bằng cấp, người ta sẵn sàng làm tất cả mọi điều để có được tấm bằng. Một xã hội trọng bằng cấp thì người tài sẽ không bao giờ có chỗ đứng chân cả, xã hội ta sẽ thụt lùi. Tôi muốn cảnh báo và lên án mạnh mẽ hơn về điều này”.

Trong những năm qua, nhà chức trách Việt Nam liên tiếp phát hiện nhiều vụ làm và mua bán bằng giả.

Trong số đó, một vài vụ đình đám gồm có: công an Thanh Hóa bắt 15 người làm giả văn bằng, chứng chỉ với số lượng lớn vào cuối tháng 10/2020; công an Thừa Thiên-Huế phát hiện đường dây làm hàng trăm bằng giả dính líu đến nhiều “cán bộ nhà nước” vào tháng 5/2020; công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, phát hiện 1 tấn bằng giả hồi tháng 5/2019 liên quan đến “nhiều cán bộ, quan chức”.

Tuy nhiên, theo thông tin trên báo chí Việt Nam, trong những năm gần đây, dù có tổng cộng hàng trăm cán bộ bị kỷ luật vì dùng bằng giả ở một loạt các tỉnh thành như Lai Châu, Hải Dương, Nghệ An, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Phước v.v… và trong cả Bộ Công an lẫn Bộ Quốc phòng, song các cán bộ này chủ yếu chỉ ở các vị trí từ cấp huyện trở xuống, hoặc cấp trưởng, phó phòng ở các bộ.

Hồi đầu tháng 11, trong một phiên chất vấn tại quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm xác nhận rằng “ngay trong đội ngũ cán bộ, nhiều người sử dụng giấy tờ giả”, bao gồm cả các loại bằng cấp, chứng chỉ.

Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý rằng “Trước nay với người sử dụng giấy tờ giả chỉ nặng về xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự, nhưng đã đến lúc cần xử lý hình sự”.

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Như Phong tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, 24/11/2020

Muốn chống nạn bằng giả chỉ có một cách là ... phải có thay đổi về cơ chế nền kinh tế. Chỉ khi nào các chủ doanh nghiệp có thực quyền, cần người có năng lực làm việc cho họ, thì người có thực tài mới có vị trí.
Ông Nguyễn Như Phong


Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong cho rằng việc chống nạn mua bán bằng giả không thể chỉ dựa duy nhất vào công cụ pháp lý mà còn cần xã hội cùng tham gia bằng cách tẩy chay và bày tỏ thái độ khinh bỉ với những kẻ dùng bằng giả.

Ông Phong cũng đề cập đến một nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế. Cụ thể, theo ông, ở Việt Nam, kinh tế nhà nước được xác định là chủ đạo trong khi kinh tế tư nhân bị xem là phụ, dẫn tới việc nhà nước không tuyển dụng được người tài. Ông Phong nói thêm:

“Muốn chống nạn bằng giả chỉ có một cách là phải thay đổi cách đánh giá. Để thay đổi cách đánh giá, phải có thay đổi về cơ chế nền kinh tế. Chỉ khi nào các chủ doanh nghiệp có thực quyền, cần người có năng lực làm việc cho họ, thì người có thực tài mới có vị trí”.

Theo quan sát của VOA, trên báo chí và các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đề nghị rằng nhà chức trách Việt Nam cần phải trừng trị nghiêm khắc hơn tất cả những ai dùng giấy tờ giả để phục vụ việc thăng quan tiến chức hoặc trục lợi khác, xem đó tương tự như tội phá hoại xã hội, phá hoại đất nước. Họ cho rằng cách xử lý theo hướng như vậy sẽ làm cho những người mua bán bằng giả “không còn đất sống”.