Người gốc Á áp đảo người da trắng tại Thung lũng San Gabriel

  • Elizabeth Lee

Bảng quảng cáo xe viết bằng tiếng Quan thoại tại Thung lũng San Gabriel, California.

Tới California, khi thấy xuất hiện các biển quảng cáo bằng tiếng Hoa cùng với các cửa tiệm Hàn Quốc, Nhật Bản phục vụ khẩu vị của hầu hết tất cả các nước châu Á, đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bước vào Thung lũng San Gabriel.

Đối với một số người đây là nơi sinh hoạt, làm việc của Los Angeles. Đối với những người khác, khu châu Á này là một ngôi nhà khi xa quê.

Được người dân địa phương gọi là “SGV,” Thung lũng San Gabriel trải dài 36 km phía đông trung tâm Los Angeles, với gần nửa triệu người gốc Á sinh sống tại đây. Chín thành phố trong khu vực có đa số cư dân là gốc Á, trong đó có thành phố Walnut, nơi gia đình của Mike Chou định cư vào năm 1989 khi họ từ Đài Loan đến.

Lúc đó Walnut đã lập nên một cộng đồng gốc Hoa.

“Lúc bấy giờ, cha mẹ tôi không nói được tiếng Anh, do đó dễ cho họ sinh hoạt ở nơi này,” ông Chou nói. Khi cha mẹ ông đến Mỹ, ông mới lên 5. “Gần tất cả các trung tâm mua bán. Rất gần với các tiệm tạp hóa Trung Hoa. Do đó thích nghi với nơi này rất dễ.”

Người Hoa tới đây từ thập niên 70

Theo Phúc trình Dự báo Kinh tế và Tổng quan vùng Thung lũng San Gabriel, khu này có lượng lớn dân số gốc Hoa vốn bắt đầu từ những năm 1970 với làn sóng di dân từ Đài Loan.

Ông Chou hiện là một nhân viên địa ốc với 80% khách hành là người gốc Á-phân nửa là người Hoa. Thông thạo tiếng Quan thoại và tiếng Anh, ông Chou rất thành công trong ngành địa ốc. Ông đang lãnh đạo một toán nhân viên đa ngôn ngữ, trong đó có bà Roxane Sheng. Bà Sheng đến Mỹ vào năm 2005 để theo học hậu đại học và ở lại luôn.

Bà Sheng nói “Hầu hết khách hàng của tôi là người Hoa nói tiếng Quan thoại. Họ đến đây để sống, làm việc hay đi học. Hay họ đến Mỹ chỉ để đầu tư, mua tài sản đầu tư. Nhưng họ vẫn trở về Trung Quốc và sống ở đó.”

Trong 10 tới 15 năm qua, người đến từ Hoa lục đã trở thành những di dân mới của Thung lũng San Gabriel.

Khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú

Bà Sheng nói khí hậu ôn hòa và tương đối gần với Trung Quốc đã khiến Nam California thu hút những người mua nhà gốc Trung Quốc. Tiếng nói chung cũng là một điểm thu hút khác.

Bà Sheng nói thêm “Mọi người nói tiếng Quan thoại, họ có thể vào ngân hàng, bưu điệu, tiệm tạp hóa—họ có thể làm đủ mọi việc mà không cần nói tiếng Anh.’

Đối với những di dân phần lớn trong những cao ốc đắt tiền ở Trung Quốc, Thung lũng San Gabriel là một điểm hấp dẫn nữa.

Bà Sheng giải thích “Ở đây có nhiều nhà. Họ chỉ cần tìm một ngôi nhà. Họ có đất, có sân vườn và chẳng có láng giềng ở trên hay ở dưới. Và giá nhà còn rẻ hơn nếu họ dọn từ Bắc Kinh hay Thượng Hải.”

Khu thương xá tại Valley Road ở Thung lũng San Gabriel, California, là một khu buôn bán sầm uất với nhiều nhà hàng, tiệm tạp hoá, cửa hàng bán lẻ và những dịch vụ khác.

Không chỉ có người Hoa

Di dân thuộc các quốc gia Đông Nam Á cũng sống tại vùng này.

Bà Annie Xu, một nhân viên địa ốc khác của ông Chou, trưởng thành tại Philippines có cha mẹ gốc Trung Quốc. Bà nói tiếng Tagalog, Phúc Kiến, Quan thoại và tiếng Anh.

“Tôi làm nghề địa ốc đã 3 năm, vì tôi là một bà mẹ ở nhà.” Bà Xu đến Mỹ cùng với chồng. Bà cho biết “Khi đứa con nhỏ nhất của tôi được 2 tuổi, tôi quyết định muốn làm cái gì đó. Địa ốc là một ngành bạn không cần có nhiều tiền để bắt đầu.”

Là một nhân viên địa ốc, bà làm việc với những di dân Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Indonesia.

Một trong những khách hàng của bà là Shabana Khan, di dân Ấn Độ lai Pakistan đang kiếm một ngôi nhà có sân. Bà Khan từ New York chuyển đến Thung lũng San Gabriel.

Bà Khan nói “New York đầy năng lượng và nhiều thứ, nhưng ở đây cũng có. Nhưng khi bạn có con, tôi nghĩ California là nơi tốt nhất để định cư. Thung lũng San Gabriel thật tuyệt vời, có nhiều nền văn hóa khác nhau của châu Á.”

Nhiều di dân, kể cả di dân bất hợp pháp

Di dân gốc Nam Á nằm trong số các nhóm người Mỹ gốc Á tăng trưởng nhanh nhất tại Thung lũng San Gabriel, theo phúc trình năm 2018 của tổ chức quyền dân sự Asian Americans Advancing Justice-Los Angeles.

Dùng con số của Văn phòng Điều tra Dân số Hoa Kỳ, Asian Americans Advancing Justice cho biết hơn 67% người Mỹ gốc Á tại Thung lũng San Gabriel là di dân, trong đó có khoảng 58.000 không giấy tờ hợp lệ. Gần một phần ba số người sống trong vùng này có lợi tức thấp, theo phúc trình.

Bà Sheng nói “Một số người mới di cư đến đây, và không tìm được việc làm ổn định. Hay là tiếng Anh của họ không đủ nên họ phải tìm một việc không như ý.”

Bất kể tình trạng kinh tế xã hội như thế nào, phúc trình cho thấy dân số Thung lũng San Gabriel tiếp tục gia tăng.

“Có nhiều nhà hàng, tiệm tạp hóa của người Hoa. Và một số nhân viên chỉ nói tiếng Hoa, không nói được tiếng Anh. Điều đó giúp cho cuộc sống dễ dàng nếu bạn là di dân đến đây, bạn sẽ cảm thấy như đang sống tại quê nhà,” ông Chou nói.