Một số người gốc Huế ở Mỹ những ngày này ‘lo lắng không yên’ cho người thân ở Việt Nam đang chịu cảnh bão lụt và đã có những hoạt động quyên góp để cứu trợ, theo tìm hiểu của VOA.
Bão liên tiếp gây mưa lớn suốt hơn một tuần qua đã khiến các tỉnh miền Trung, chủ yếu là Bắc Trung Bộ, ngập lụt trên diện rộng trong đợt lũ được nhận định là lớn nhất trong vòng hơn 20 năm qua.
Tính đến ngày 19/10, mưa lũ đã khiến 90 người chết, 34 người mất tích, 122.000 ngàn ngôi nhà bị ngập và hàng trăm ngàn gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, theo số liệu của Thông tấn xã Việt Nam.
Gửi tiền về giúp
Từ thị trấn Kekaha, đảo Kauai, thuộc bang Hawaii, cô Phương Riola, vốn lấy chồng Mỹ và sang Mỹ định cư từ năm 2008, cho VOA biết mấy ngày qua tâm trạng cô ‘rất là lo lắng, sốt ruột’.
“Tôi lo đến nỗi đứng ngồi không yên, lo đến muốn khóc luôn,” cô Phương, người hiện đang còn cha sống chung cùng em gái tại phường Thuận Hóa thuộc Thành Nội, thành phố Huế, cho biết.
Theo lời cô thì nhà ba cô ở Huế bị ‘nước ngập đến nửa người, cả nhà trên và nhà dưới’.
Những ngày đầu mưa bão cô không liên lạc được với gia đình do vùng bão lũ bị mất điện, đường dây thông tin liên lạc bị đứt. Sau khi liên lạc được nối lại, em gái cô đã gửi hình cảnh nhà bị ngập cho cô xem.
“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi người thân mình không bị sao, không bị mất tích,” cô Phương nói. “Nhưng tôi buồn cho người dân mình ở ngoài Huế.”
Theo lời cô kể thì nhà ba cô bị tốc mái trong bão, mái bị dột, tường bị thấm nước, cây cối trong vườn bị chết, bàn ghế, đồ dùng, sách vở đều bị ướt hết; khi nước dâng thì phải khiêng đồ lên cao và khi nước xuống thì lại dọn xuống trở lại.
Trong những ngày bị ngâm trong nước, gia đình cô ở quê nhà không thể nấu nướng và cũng không thể trữ thực phẩm trong tủ lạnh nên toàn là ăn đồ cũ đã nấu từ trước, cô Phương cho biết.
“Em gái tôi bị tiêu chảy. Muốn đi vệ sinh cũng phải nín,” cô nói thêm.
“Trong nhà cần gì thì em gửi tiền về. Ngoài ra cũng có rất nhiều hộ nghèo ở Huế. Bạn thân của em cũng đang quyên góp tiền thì em cũng đóng góp một ít tiền gửi về giúp các hộ dân ở đó luôn,” cô Phương cho biết.
Cô nói cô rất buồn trước cảnh lũ lụt và ‘cảm thấy bất lực vì không thể giúp được gì cả mặc dù rất thương người dân quê tôi’. Cô mong ước ‘chính quyền ở Việt Nam xử lý hệ thống thoát nước tốt hơn’.
Quyên góp cứu trợ
Sau đợt lũ này, cô Phương dự tính sẽ phải gửi tiền về giúp ba cô sửa nhà lại. “Sau đợt lũ năm 99, nhà tôi ở Huế đã nâng cao nền lên gần 2,5 mét rồi nên không thể nâng thêm được nữa.”
Trước tình cảnh lũ lụt ở quê nhà, cô Phương nói cô ‘rất nóng lòng về thăm nhà’ nhưng do dịch bệnh virus corona, cộng với việc cô đang có hai con nhỏ nên cô chưa thể đi được.
Bác sĩ Võ Đình Hữu, chủ tịch Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc học Huế ở miền Nam California, cho VOA biết ông đã kêu gọi mọi người trong hội, các hội đồng hương Huế và người Việt ở hải ngoại quyên góp giúp người dân miền Trung qua cơn hoạn nạn.
“Tôi xin các đồng hương chúng ta ở đây: chúng ta rất may mắn được hưởng mọi thứ thì xin quý vị đóng góp một bàn tay, bỏ một ly cà phê, một tô phỏ hoặc nhiều hơn nữa để gửi về. Nếu quý vị sợ mất tiền thì gửi về qua các cơ sở tôn giáo của mình,” bác sĩ Hữu ở thành phố Pomona, California, nói.
Ông cho biết trước đó, phó chủ tịch hội của ông đã ‘tự động quyên góp được một số tiền rất nhiều và gửi trực tiếp về Huế’.
Bản thân ông ngoài việc gửi tiền về cho em gái đang ở Huế mua mì gói và gạo sấy gửi trực tiếp đến người bị lụt, ông cũng gửi tiền cho các nhà chùa mà ông tin tưởng ở Huế để cứu tế người dân.
Bác sĩ Hữu cho biết ông còn chị em đang sinh sống ở Huế và ‘tất cả đều bình an’ nhưng ‘khổ quá vì đợt lụt này phải dọn ra dọn vô mấy lần’.
Ông Hữu nói bản thân khi còn ở Huế trước năm 1968 cũng từng chứng kiến lụt lên đến mái nhà, người dân ngồi trên đó kêu cứu và ‘có khi mái nhà sập luôn’.
“Nhiều cảnh rất thương tâm,” ông nói và cho biết nhà ông ở nơi cao ráo ngay cầu Gia Hội, đối diện chợ Đông Ba, nên không bị lụt và năm lụt nào cha ông cũng mở cửa cho nạn dân đến nhà tá túc chờ đến khi nước xuống.