Valentine’s Day là Ngày Tình Yêu, hay Ngày Yêu Thương. Yêu là gồm cả yêu và thương.
Yêu là “một cảm giác mãnh liệt của tình cảm sâu sắc”, theo tự điển Oxford.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc chia sẻ trên Facebook hôm nay rằng yêu và thương khác nhau: ‘“Yêu” bao hàm ý niệm chiếm hữu và có tính chất độc quyền, còn “thương” thì không. Mẹ thương con, càng nhiều người thương con, mẹ càng mừng. Nhưng vợ yêu chồng thì dứt khoát chỉ có một, không ai được quyền chia sẻ cả…’
Tôi có biết một số gia đình mà con cái cũng sử dụng chữ yêu với cha mẹ mình, đặc biệt giữa con trai với người mẹ. “Con yêu mẹ”. Nghe thấy sâu sắc, đậm đà, và ấn tượng.
Phải chăng tình yêu giữa con và mẹ cũng mang tính chiếm hữu và độc quyền?
Yêu là gì, và làm sao định nghĩa được, thì câu hỏi này chắc đã có từ lúc con người hiện diện trên thế gian này. Nhưng cho đến nay, và sau khi Xuân Diệu đã làm ra bài thơ nổi tiếng, có lẽ câu trả lời đối với mỗi người mỗi khác.
Theo tôi, yêu không thể định nghĩa được. Định nghĩa là cho nó vào khuôn khổ, dùng ngôn từ để diễn tả, hay hành động để bày tỏ. Nhưng tình yêu thật bao la, thật vô hạn định, thì làm sao nằm trong khuôn khổ được.
Không phải ai cũng lãng mạng, hay cũng đề cao tình yêu lứa đôi. Thật ra có những người rất hoài nghi, thường chỉ trích tình yêu và lãng mạng.
Roger Crutchley, một ký giả trên tờ Bangkok Post, cho biết: ‘Nhiều năm trước, tác giả người Mỹ Ambrose Bierce đã nhận xét: "Tình yêu là sự điên rồ tạm thời, có thể chữa được bằng hôn nhân"; trong khi Somerset Maugham lưu ý rằng "tình yêu là những gì xảy ra giữa một người đàn ông và một phụ nữ không biết nhau"… HL Mencken nói theo cách khác với đánh giá của ông rằng tình yêu là "chiến thắng của trí tưởng tượng so với trí thông minh."’
Khi yêu nhau, người ta cũng sẵn sàng làm những điều chưa từng hay dám làm trước đây. Hỏi đó là một sự can đảm, dại dột, bốc đồng, hay gì khác? Hay đơn giản chỉ là sự sẵn sàng bày tỏ cảm xúc để người kia cảm nhận được tình cảm đó, bất chấp người ngoại cuộc nhận xét ra sao? Điều quan trọng chỉ là kết quả sau cùng?
Trong Valentine’s Day, không phải mọi món quà tặng nhau trong ngày này đều có ý nghĩa và được vui mừng đón nhận. Chọn món quà để người yêu của mình thích không phải là dễ, nhất là qua thời gian. Được biết bên Mỹ, người ta chi 18.6 tỷ đô la cho các món quà tình nhân, trong đó 1.9 tỷ chỉ dành cho hoa, 4.4 tỷ cho kim cương, vàng và bạc. 224 triệu hoa được trồng cho Valentine’s Day. Statista ước đoán năm nay còn cao hơn, dự chi khoảng 2.3 tỷ đô la. Tổng chi năm nay dự đoán lên đến 24 tỷ đô la. Vì Covid-19 nên chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng trên nhiều mặt, kể cả hoa hồng. Tại Úc, hoa hồng có thể lên đến $70 một hoa, $140 cho 12 hoa, mà 90% là phải nhập cảng. Có người thích hoa, nhưng cũng có người thích cái gì thực tế hơn chỉ là hoa để ngắm, đặc biệt khi hoa trở thành đắc giá như thế.
Mua áo quần cho đàn ông thì có vẻ dễ, nhưng cho phụ nữ thì không dễ chút nào. Crutchley kể câu chuyện rằng một phụ nữ nhận được bộ đồ lót nhỏ hơn nhiều so với kích cỡ của cô ấy, cộng với vé vào cửa trung tâm thể dục địa phương miễn phí. Món quà được đính kèm với một ghi chú có nội dung: "Hy vọng cuối cùng em có thể chui lọt (squeeze) vào những thứ này." Crutchley cho rằng đây có lẽ là một món quà thiếu tế nhị nhất và đó cũng là một cách hoàn hảo để kết thúc một mối tình lãng mạn.
Yêu, và sự bày tỏ/thể hiện tình yêu, từ xưa đến nay khác nhau thế nào nhỉ? Chắc là nhiều lắm. Tôi cứ tưởng tượng rằng thời xa xưa, khi con người chưa được văn minh, cách bày tỏ chắc là thô thiển lắm. Khi con người văn minh hơn, có quy luật/định hẳn hoi về hôn nhân, thì dường như giết chết tự do bày tỏ tại nhiều nơi. Những nơi càng văn minh càng vậy. Rồi đến thời hiện đại và hậu hiện đại thì quay ngược lại. Nếu trước đây yêu không được bày tỏ, thì thời nay yêu là phải bày tỏ, bằng cách này hay cách khác. Hoa, quà, thiệp vv… là những cách hiện đại, như đã nói trên. Sau này công nghệ như điện thoại, fax, email, social media v.v… cũng thay đổi sâu sắc cách thể hiện tình yêu. Thế hệ hôm nay có khi cũng đi quá xa, như Sexting, chẳng hạn. Yêu mà còn chạy theo xu hướng, không phải là để chia sẻ nhau, bày tỏ cảm xúc sâu đậm cho nhau, thì thế có phải là yêu không nhỉ!
Dù sao thế hệ chúng ta may mắn hơn ông bà chúng ta nhiều, vì tự do yêu thương được xem là quyền căn bản nhất của con người. Khi tục lệ đã được đặt ra và đã thấm nhuần vào văn hóa truyền thống, kiểu như “Nam nữ thọ thọ bất tương thân”, thì nếu có cơ hội biết nhau, thích nhau, có cảm tình với nhau, thì cũng chỉ được nhìn thôi. Yêu nhau bằng ánh mắt, nụ cười, và giữa khoảng khoắc đó là sự im lặng. Âm thanh của im lặng (The sound of silence). Rồi đến thời kỳ có giấy, rồi được gửi thư từ cho nhau, thì sự bày tỏ bằng văn bản, qua chữ nghĩa, thơ văn, cũng thay đổi hẳn cách yêu. Nhưng ngay cả thế, thư tình chưa chắc là không bị kiểm duyệt, nhất là từ cha mẹ. Yêu nhau mà được lấy nhau thì cả một sự may mắn lẫn quá trình và thử thách, nhất là khi hai bên không cùng “giai cấp”, kiểu “môn đăng hộ đối”. Ngày nay nhiều nơi người ta vẫn chưa được quyền yêu thương tự do, hôn nhân vẫn do cha mẹ hai bên sắp xếp lấy. Nhưng phần lớn, nhất là từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát ra đời, và các phong trào đấu tranh quyền bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng phái tính, và tự do biểu đạt, đặc biết là yêu thương, thì quan niệm về yêu và sự biểu đạt tình yêu đã thay đổi sâu sắc.
Gần đây, được biết có khoảng 6 triệu người trên thế giới làm đính hôn vào Valentine’s Day. Nhiều người chọn ngày này để cam kết tình yêu, nói lên được ý nghĩa của Valentine’s Day đối với họ. Tuy vậy, những người khác chọn ngày khác hiển nhiên cũng không làm giảm đi ý nghĩa hay sự cam kết của họ. Giá trị thật sự nằm trong tâm tưởng của người quyết định.
Nếu yêu là một cảm giác mãnh liệt của tình cảm sâu sắc thì không biết mấy ai trong chúng ta cảm nhận được như thế trong ngày này?