Cánh cửa nhà tù ở Việt Nam như một vòng xoay dành cho những người bất đồng chính kiến để chế độ cộng sản Hà Nội đưa họ ra vào thường xuyên như cơm bữa. Đặc biệt là trước thời gian Đại hội Đảng.
Ngày 14/12 vừa qua nhạc sĩ Việt Khang Võ Minh Trí, 37 tuổi, mãn án tù 4 năm vì viết những lời ca nói lên tâm tình về đất nước. Anh bị kết án tù theo điều 88 Luật Hình sự với tội “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Sau khi Việt Khang được thả, vài hôm sau luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, 46 tuổi, bị bắt và một lần nữa bị khởi tố vì vi phạm điều 88 Luật Hình sự mà thực ra anh chỉ tranh đấu cho quyền làm người như ghi trong Hiến pháp Việt Nam. Trước đây, năm 2007 luật sư Đài cũng đã bị kết án 4 năm tù với cùng tội danh.
Nhạc sĩ Việt Khang bị bắt tháng 12/2011 vì sáng tác hai ca khúc “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu” với nội dung chống Trung Quốc xâm lược và kêu gọi lòng yêu nước của dân Việt. Những tâm tình anh gửi gấm qua âm nhạc đã vang vọng ra hải ngoại, nhiều người đã thuộc lòng, cất cao lời ca trong các buổi biểu tình, hội họp. Trên YouTube hai ca khúc của Việt Khang được nhiều người hát và có gần triệu lượt xem. Riêng ca sĩ Đan Nguyên của Trung tâm Asia có số người xem cao nhất, hơn 1 triệu cho “Anh là ai” và hơn 2 triệu cho “Việt Nam tôi đâu”. Cùng bị bắt với Việt Khang là nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, 40 tuổi, bị kết án 6 năm tù.
Ca từ trong “Anh là ai” có những đoạn:
Xin hỏi anh là ai
Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai
Xin hỏi anh là ai
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay
Xin hỏi anh là ai
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này
Dân tộc này đã quá nhiều đắng cay
Xin hỏi anh ở đâu
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu
Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi
Dân tộc anh ở đâu
Sao đan tâm làm tay sai cho Tàu
Để ngàn sau ghi dấu
Bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào …
Và “Việt Nam tôi đâu” với lời ca bi thương:
Việt Nam ơi
Thời gian quá nữa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời, ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau
Từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian
Giờ đây, Việt Nam còn hay đã mất
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu …
Sự kiện Hà Nội bắt giam Việt Khang làm dấy lên một phong trào vận động thế giới can thiệp, đặc biệt tại Hoa Kỳ với hơn 150 nghìn người đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư gửi Tổng thống Barack Obama nêu lên những vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Đài trước đây cũng đã bị kết án tù bốn năm vì điều 88 Luật Hình sự, cùng với nữ luật sư Lê Thị Công Nhân là những người lên tiếng tranh đấu cho dân oan, cho quyền làm người.
Điều luật 88 về tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, điều 79 về vi phạm an ninh quốc gia, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và điều 258 về lợi dụng quyền tự do dân chủ thường được chế độ Hà Nội dùng để bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích nhà nước.
Từng bị bắt giam hay kết án tù vì những điều luật này có Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Quang Lập, Anh Ba Saigon Phan Thanh Hải, Trương Duy Nhất, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Đoàn Huy Chương v.v…
Hiện còn bị giam có Linh mục Nguyễn Văn Lý, Bùi Minh Hằng, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, Trần Huỳnh Duy Thức. Theo các tổ chức nhân quyền quốc tế, Hà Nội hiện còn giam giữ hơn một trăm “tù nhân lương tâm” là những người bất đồng chính kiến.
Ra tù năm 2011, luật sư Nguyễn Văn Đài tiếp tục con đường vì tự do, dân chủ và nhân quyền bất chấp nhiều lần bị ngăn chặn, hành hung đến đổ máu.
Nhà nước lên án những người bất đồng chính kiến như luật sư Đài là phản động, nhưng anh có nhận xét ngược lại trong một bài viết năm 2012 cho rằng chính quyền Hà Nội mới là kẻ phản động:
“Ở các quốc gia do các đảng mang bản chất phản động cầm quyền thì các quyền con người trong lĩnh vực chính trị bị hạn chế hay tước bỏ hoàn toàn như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Khi người dân phê phán hay chỉ trích những sai trái của chính quyền thì bị qui kết chống lại nhà nước và bị cầm tù. Người dân không được quyền làm báo chí tư nhân mà báo chí do đảng phản động độc quyền. Khi người dân thực hiện quyền hội họp, biểu tình ôn hòa thì bị sách nhiễu, bị tước đoạt quyền tự do, đem đi giam giữ mà không xét xử. Khi người dân thực hiện quyền lập hội, lập đảng thì bị qui kết hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Còn ở các quốc gia dân chủ tiến bộ thì người dân được tự do thành lập các tờ báo, báo chí trở thành công cụ quyền lực của nhân dân để giám sát hoạt động của chính quyền. Người dân được tự do hội họp, tự do biểu tình ôn hòa. Người dân có quyền tự do tham gia hoặc thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài là người sáng lập ra Trung tâm Nhân quyền Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ. Hôm 6/12/2015, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền anh và một số bạn đã đến xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An để nói chuyện về những quyền phổ cập của con người được ghi trong Hiến pháp. Buổi nói chuyện bị an ninh quấy phá và khi ra về ông bị côn đồ chặn đánh bằng gậy và ống sắt đến đổ máu.
Sáng ngày 16/12 công an đã bắt anh và khám xét nhà. Cùng bị bắt với luật sư Đài là một đồng nghiệp, luật sư Lê Thu Hà.
Ân xá Quốc tế, Human Rights Watch cũng như nhiều lãnh đạo, dân cử trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu Hà Nội trả tự do cho hai luật sư.
Về phía người Việt, đã có ít nhất hai thỉnh nguyện thư vận động cho sự tự do của luật sư Đài với đại diện của hội đoàn và nhiều nghìn người trong và ngoài nước tham gia ký tên.
Tháng tới Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ họp Đại hội 12 để bầu chọn thành phần lãnh đạo. Như nhiều lần trước đây, kể từ Đại hội năm 1991, sau khi các chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ và Liên bang Xô-Viết tan rã và sau Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, vì lo sợ “diễn biến hòa bình” Hà Nội đã ra tay bắt giam những người bất đồng chính kiến, cũng trước thời gian đại hội, và loại bỏ những ai kêu gọi cải cách chính trị hay chủ trương thân phương Tây như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Phan Đình Diệu, Nguyễn Hà Phan, Trần Độ.
Trong vài tuần qua đã có dấu chỉ đấu đá nội bộ qua những tài liệu được phổ biến. Thứ nhất là một lá thư dài được cho là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Bộ Chính trị để giải trình những điều c sai trái mà ông và gia đình bị cáo buộc đã phạm. Thứ nhì là một số tài liệu liên quan đến điều gọi là những kinh doanh thiếu minh bạch của cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, người được cho là thân tín của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Hôm 9/12, 127 nhân sĩ và trí thức đã gửi một lá thư cho Bộ Chính trị yêu cầu bỏ “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong chính sách kinh tế và đòi hỏi những cải cách chính trị. Trong số những người ký tên có Chu Hảo, Tương Lai, Nguyễn Mạnh Can, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Trọng Vĩnh, Hoàng Tụy, Nguyễn Huệ Chi, Minh Đường, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Đăng Doanh, Phùng Liên Đoàn, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Ngọc Giao, Cao Lập…; năm 2013 nhiều người trong số này cũng đã tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp nhưng thất vọng vì không được đảng đáp ứng.
Sự kiện Hà Nội bắt giam khẩn cấp luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những nhà hoạt động nhân quyền được quốc tế biết đến nhiều nhất, cùng luật sư Lê Thu Hà và quyết định khởi tố ngay theo điều 88 Luật Hình sự cho thấy cánh bảo thủ, tức phe muốn tiếp tục duy trì sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản như bên Trung Quốc, vẫn đang thắng thế.
Dù ai lên nắm các chức vụ cao nhất nước sau Đại hội 12, Hà Nội sẽ không dễ dàng cởi mở cho báo chí tự do, cho công đoàn độc lập hoạt động, minh bạch trong chính sách kinh tế dù đã có nhiều ràng buộc pháp lý qua những hiệp ước thương mại mà Việt Nam đã ký kết trước đây, như BTA (Bilateral Trade Agreement) với Hoa Kỳ, Hiệp định Thương mại với Liên hiệp châu Âu, hay khi gia nhập WTO (World Trade Organization) và mới nhất là TPP (Trans-Pacific Partnership) với 10 quốc gia ven Thái Bình Dương.
Trong năm 2015 đã có 8 trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị sang thăm Hoa Kỳ, cao điểm là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Barrack Obama đón tiếp tại Bạch Ốc đầu tháng 7/2015.
Tuy nhiên triển vọng về một xã hội Việt Nam cởi mở hơn về chính trị đến nay vẫn chưa thấy ló dạng. Khi nào Hà Nội đưa ra một lộ đồ dân chủ hoá đất nước, cho dân quyền tự do ngôn luận, lập hội, ứng cử và bầu cử rồi tiến đến việc sửa đổi Hiến pháp, bỏ điều 4, khi đó sẽ là một bình minh mới cho đất nước Việt Nam.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.