Nguyên thủ Đài Loan-TQ sắp gặp nhau lần đầu tiên trong hơn 60 năm

Trung Quốc cho rằng cuộc hội đàm sắp diễn ra giữa ông Tập Cậnh Bình và Mã Anh Cửu là 'dấu mốc lịch sử' trong sự phát triển của các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore vào thứ bảy tuần này. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của Đài Loan và Trung Quốc kể từ khi đôi bên tách khỏi nhau trong cuộc nội chiến kết thúc năm 1949. Theo tường thuật của thông tín viên Bill Ide của đài VOA tại Bắc Kinh, cuộc họp lịch sử này diễn ra trong lúc chỉ hơn hai tháng nữa là tới ngày bầu cử tổng thống ở Đài Loan.

Trung Quốc cho rằng cuộc hội đàm sắp diễn ra ở Singapore là “một dấu mốc lịch sử” trong sự phát triển của các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Một thông cáo chính thức được tuyên đọc trên các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tại cuộc họp này “các nhà lãnh đạo ở hai bờ eo biển sẽ trao đổi ý kiến với nhau về việc thúc đẩy sự phát triển hoà bình của các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan và làm sâu sắc thêm nữa các mối liên hệ hiện có.”

Truyền thông Trung Quốc nói rằng tại cuộc gặp gỡ hai nhà lãnh đạo này sẽ không dùng chức vụ để xưng hô với nhau, mà thay vào đó, họ chỉ gọi nhau là “tiên sinh” hay “ông.” Hai chính phủ này không chính thức công nhận nhau. Tin tức từ Bắc Kinh cho biết sau cuộc họp vào buổi chiều, hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức những cuộc họp báo riêng rẽ và sẽ tham dự một dạ tiệc.

Từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền năm 2008 tới nay, Đài Loan và Trung Quốc đã ký kết 23 hiệp định. Các hoạt động thương mại và du lịch đã gia tăng đáng kể, làm bùng ra những mối lo ngại về sự lệ thuộc quá độ của Đài Loan đối với kinh tế Trung Quốc và về những ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với Đài Bắc.

Trung Quốc cho rằng đảo quốc Đài Loan theo thể chế dân chủ là một phần lãnh thổ của họ và đòi đôi bên phải tái thống nhất. Tuy nhiên, sự ủng hộ của người dân Đài Loan đối với việc thống nhất với Hoa Lục nằm ở mức rất thấp.

Chính quyền Quốc Dân Đảng của ông Tưởng Giới Thạch đã chạy sang Đài Loan sau khi bị phe Cộng Sản của ông Mao Trạch Đông đánh bại trong cuộc nội chiến kết thúc năm 1949. Tại Đài Loan, Quốc Dân Đảng cai trị đảo quốc này với bàn tay sắt trong nhiều thập niên, bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng, giống như những gì mà Đảng Cộng Sản làm ở Hoa Lục. Nhưng không giống như những nhà lãnh đạo Hoa Lục, Đài Loan đã dần dà mở rộng không gian chính trị và cho phép sự tồn tại của các đảng đối lập. Đảo quốc này tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 1996.

Người biểu tình hô khẩu hiệu phản đối cuộc họp giữa Tổng thống Đài Loan và ông Tập Cận Bình tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 4/11/2015.

Các chính khách đối lập ở Đài Loan đã bày tỏ lo ngại về cuộc họp kín ở Singapore và đã bắt đầu biểu tình ở thủ đô Đài Bắc.

Các biện pháp an ninh đã được tăng cường bên ngoài Phủ Tổng thống và trụ sở của Viện Lập pháp, nơi một số người biểu tình đòi ông Mã Anh Cửu huỷ bỏ cuộc họp với ông Tập Cận Bình. Một số người đòi luận tội để truất nhiệm ông Mã Anh Cửu vì khi đắc cử cho nhiệm kỳ thứ nhì ông đã cam kết không gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay thương thuyết về vấn đề thống nhất. Những người khác tỏ ý lo ngại về những thoả thuận bí mật có thể đạt được tại cuộc họp kín.

Một người phát ngôn của ông Mã Anh Cửu cho biết sẽ không có hiệp định nào được ký kết tại cuộc họp và khẳng định là cuộc gặp gỡ này chỉ có mục đích củng cố các mối quan hệ song phương và “duy trì hiện trạng ở hai bờ eo biển Đài Loan.”

Ông Trịnh Vận Bằng, phát ngôn viên của Đảng Dân Tiến đối lập, sáng nay tố cáo Quốc Dân Đảng đương quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu dùng cuộc họp ở Singapore như một thủ đoạn để giành phần thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 16 tháng giêng sang năm.

Bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân Tiến và là ứng cử viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới, cho biết cũng giống như những người khác, bà cảm thấy ngạc nhiên khi nghe loan báo đó. Bà nói “Một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của hai bên của eo biển Đài Loan là một sự kiện rất lớn, có liên hệ tới phẩm giá và lợi ích quốc gia của Đài Loan. Nhưng để cho dân chúng biết tới cuộc họp với một cách thức vội vã và hỗn loạn như vậy là gây phương hại cho nền dân chủ của Đài Loan.”

Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri ở Đài Loan cho thấy bà Thái Anh Văn, dẫn đầu khá xa so với ứng cử viên Chu Lập Luân của Quốc Dân Đảng.

Cuộc họp giữa ông Mã Anh Cửu với ông Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc bầu cử là một vấn đề chưa có giải đáp rõ ràng. Ông Bruce Jacobs, giáo sư danh dự của Đại học Monash ở Australia, cho rằng ảnh hưởng có lẽ sẽ không nhiều, nhưng nếu có, thì nó sẽ có lợi cho bà Thái Anh Văn. Ông nói thêm rằng điều đáng chú ý là tại sao ông Tập Cận Bình lại đồng ý gặp ông Mã vào lúc này? Theo giáo sư Jacobs, có lẽ ông Tập cảm thấy chính sách về Đài Loan của ông sắp bị thất bại: người dân Đài Loan không hề muốn thống nhất với Hoa Lục và bất luận là ông làm điều gì thì chính sách đó cũng thất bại.

Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho báo chí biết rằng “Mối quan hệ ổn định và hoà bình giữa hai bờ eo biển Đài Loan phù hợp với những lợi ích cơ bản của nước Mỹ.”