Ông Lê Quang Thưởng, cựu Phó Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN và ông Thang Văn Phúc, cựu Thứ trưởng Nội vụ của chính phủ Việt Nam vừa thay mặt đảng, chính phủ giải thích tại sao, đảng và chính phủ điều động hàng loạt Bí thư các tỉnh về nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính phủ - chuẩn bị cho nội các mới.
***
Tính đến giờ này, có năm bí thư của năm tỉnh: Kiên Giang, Điện Biên, Đồng Tháp, Quảng Trị, Yên Bái được chính phủ rút về lãnh đạo một số bộ trước khi các tỉnh này tổ chức đại hội đảng. Gần nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang) được điều động về làm Thứ trưởng Xây dựng. Ông Trần Văn Sơn (Bí thư Điện Biện) được điều động về làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (chức vụ tương đương Thứ trưởng).
Trước nữa, ông Lê Minh Hoan (Bí thư Đồng Tháp) được lệnh thôi làm Bí thư tỉnh và được điều động về làm Thứ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN PTNT). Ông Nguyễn Văn Hùng (Bí thư Quảng Trị) cũng được lệnh thôi làm Bí thư tỉnh và được điều động về làm Thứ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL). Tương tự, bà Phạm Thị Thanh Trà (Bí thư Yên Bái) được điều động về làm Thứ trưởng Nội vụ.
Trả lời báo giới, ông Thưởng khẳng định: Đó là chuyện bình thường trong công tác cán bộ. Có ba phương án dành cho một Bí thư tỉnh hết nhiệm kỳ: Hoặc sẽ làm tiếp, hoặc điều động đảm nhiệm vai trò khác, hoặc nghỉ hưu. Gần đây, những người không đủ tuổi tái cử thường được điều động đảm nhiệm công việc khác vì cho họ nghỉ hưu ngay sẽ lãng phí nguồn nhân lực tốt.
Ông Phúc cũng nhận định y hệt như thế và nhấn mạnh: Đó là cách để sử dụng hiệu quả những cán bộ trong quy hoạch, đã trưởng thành, có kinh nghiệm thực tiễn. Nếu không tận dụng sẽ là sự lãng phí rất lớn, thậm chí có thể là thiệt thòi cho đảng và nhà nước. Với người có kinh nghiệm, kiến thức lại không có điều tiếng gì thì… cống hiến được thêm một ngày cũng tốt vì không thể có ngay một đội ngũ cán bộ trẻ mà dày dạn kinh nghiệm. Đó cũng là lý do cơ cấu BCH TƯ nhiệm kỳ tới được thiết kế ba độ tuổi (1)…
***
Điểm đầu tiên phải lưu ý là trên danh nghĩa, cả năm Bí thư tỉnh vừa được điều động đều là những cá nhân đang đứng đầu các cơ quan đại diện cho “nguyện vọng, ý chí” của dân chúng địa phương tại Hội đồng nhân dân (Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh) và Quốc hội (Trưởng Đoàn Đại biểu của tỉnh tại Quốc hội). Điều động như thế khác gì ngoảnh mặt với … “nguyện vọng, ý chí” của nhân dân và xác nhận bầu cử tại Việt Nam là trò hề?
Điểm thứ hai, tại sao phải… “thiết kế ba độ tuổi” để rồi vừa phải biện giải về “trường hợp đặc biệt do quá tuổi”, vừa loay hoay tính toán tận dụng những cá nhân đã trưởng thành, có kinh nghiệm thực tiễn nhằm tránh… lãng phí, thiệt thòi cho đảng, nhà nước? Nếu xem kinh nghiệm, kiến thức, không có điều tiếng gì là đáng quý thì “thiết kế ba độ tuổi” rõ ràng là… khuyến khích gian lận tuổi, như đã từng thấy!
Điểm thứ ba, nhân tài ở Việt Nam quý và hiếm đến mức phải tận dụng như thế sao? Trong năm Bí thư tỉnh vừa được điều động sang nhận công tác mới ở nội các và sẽ là những lãnh đạo chủ chốt của nội các mới, trừ ông Lê Minh Hoan chưa thấy điều tiếng, bốn cá nhân còn lại đều chẳng lạ gì với công chúng vì từng trực tiếp hoặc gián tiếp dính… chàm.
Dẫn đầu bốn người này là bà Phạm Thị Thanh Trà – chi ruột ông Phạm Sĩ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh Yên Bái, nhân vật cách nay ba năm từng làm dư luận rúng động vì nhờ… bện chổi và… thừa kế mà sở hữu một quần thể biệt thự nguy nga có diện tích hàng chục ngàn mét vuông ở trung tâm thành phố Yên Bái. Chưa kể nhà – đất ở nhiều nơi khác, kể cả Hà Nội...
Dẫu vi phạm hàng loạt qui định về đất đai và xây dựng, ông Quý chỉ đóng 500 triệu tiền phạt và được hợp thức hóa các sai phạm. Tuy vi phạm đủ thứ, đặc biệt là vi phạm Luật Phòng – chống tham nhũng nhưng dưới sự lãnh đạo của bà Trà, Yên Bái chỉ cách chức Giám đốc Sở TNMT rồi điều động ông Quý sang HĐND tỉnh làm… Phó Văn phòng (2). Vì sao chính phủ nhiệm kỳ tới cần một người như bà Trà làm Thứ trưởng Nội vụ?
Tương tự, vì sao lại chọn ông Nguyễn Văn Hùng – nhân vật vẫn được xem như… thủ lĩnh phe Vĩnh Linh trong cuộc đối đầu với… phe Gio Linh nhằm kiểm soát Quảng Trị (3), từng nổi tiếng khi để nữ Bí thư huyện Hướng Hóa vốn đã bị cách chức và chuyển qua làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhưng tiếp tục đứng ra tổ chức “bỏ phiếu tín nhiệm” và ban hành Chương trình Công tác trọng tâm của Ban Thường vụ huyện Hướng Hóa (4) – gần như cả đời chỉ làm công tác đảng đảm nhận vai trò Thứ trưởng VHTTDL?
Trường hợp ông Trần Văn Sơn, Bí thư Điện Biên được chọn làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm người ta nhớ tới… Trịnh Xuân Thanh! Ông Sơn từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (TCT XD Bạch Đằng). Dân chúng TP.HCM chẳng lạ gì doanh nghiệp nhà nước từng là nhà thầu bị cắt hợp đồng xậy dựng công trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào năm 2008 này vì thi công luộm thuộm, nhếch nhác, vi phạm tiến độ (5)…
Cho đến giờ này, nhiều người vẫn chưa hiểu được tại sao năm 2009, ông Sơn lại được chọn làm Thứ trưởng Xây dựng dù TCT XD Bạch Đằng nổi như cồn do… kinh doanh cẩu thả, bê bối, liên tục vi phạm các hợp đồng thi công và thua lỗ trầm trọng. Năm 2014, TCT XD Bạch Đẳng chuyển thành công ty cổ phần nhưng vì nợ phải trả chiếm đến 90% tổng giá trị tài sản nên cổ phiếu không ai thèm mua (6). Riêng ông Sơn thì được… luân chuyển từ Bộ Xây dựng về làm Phó Bí thư (7) rồi Bí thư tỉnh Điện Biên và nay, căn cứ theo lối giải thích của ông Thưởng, ông Phúc thì ông Sơn là… nhân lực tốt, để ông về vườn sẽ… thiệt thòi cho đảng, nhà nước!
Trường hợp cuối cùng ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư tỉnh Kiên Giang, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng). Ông Nghị là người duy nhất trong số năm Bí thư tỉnh vừa bị ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đề nghị xem xét kỷ luật vì liên đới về trách nhiệm đối với các sai phạm trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường ở Kiên Giang từ năm 2011 đến năm 2017, gây thất thoát hơn 2.300 tỉ đồng (8).
Ông Nghị cũng là người duy nhất sau khi luân chuyển được điều động làm công việc cũ (Thứ trưởng Xây dựng) . Tỉnh ủy Kiên Giang cũng là nơi duy nhất cho biết chưa được thông báo về việc điều động ông Nghị ra Hà Nội và chỉ biết tin qua… báo chí (9)! Điều đó cho thấy, sắp đặt nhân sự lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ không chỉ tùy tiện mà còn hết sức khó hiểu, đáng ngờ, dẫu cho giới lãnh đạo đảng không ngừng trấn an rằng lựa chọn, sắp đặt nhân sự là mới, thận trọng, chặt chẽ (10)...
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/cuu-giam-doc-so-tai-nguyen-yen-bai-chuyen-cong-tac-ve-ha-noi-3870781.html
(3) https://www.facebook.com/ngocbaochau7979/posts/1856735867708299/
(6) https://baodauthau.vn/xay-dung-bach-dang-co-gi-truoc-dot-thoai-von-post51100.html
(10) https://plo.vn/thoi-su/tong-quan-cong-tac-nhan-su-dai-hoi-dang-lan-thu-xiii-941964.html