Nguyễn Đình Thi

  • Bích Huyền

Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận văn học, nhà phê bình văn học, nhà soạn kịch, nhà nghiên cứu triết học, và nhà viết nhạc của nền văn học miền Bắc Việt Nam.

Nguyễn Đình Thi, ông là ai?

Câu hỏi ấy có lẽ dễ mà cũng khó trả lời!

Nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận văn học, nhà phê bình văn học, nhà soạn kịch, nhà nghiên cứu triết học, và cả nhà viết nhạc nữa. Nhưng chưa đủ, ông còn là một quan chức văn nghệ cao cấp của Đảng với chức vụ Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Ủy Ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật…


Về Văn học nghệ thuật, ở bình diện nào, Nguyễn Đình Thi cũng đều có đóng góp lớn. Nhưng ông vẫn bị lên án là có tác phong lãng mạn tiểu tư sản, bị phê bình nặng nề. Dù ông chủ trương “thơ là hoa, tiểu thuyết là quả” nhưng tiểu thuyết của ông đều bị nhìn ngắm và phê bình một cách soi mói. Có lẽ vì cái dạng của trí thức không hợp với văn nghệ chuyên chính vô sản chăng? Là nhà soạn kịch, thì kịch bản "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" đã gây nhiều chấn động hay "Rừng Trúc" bị ngăn cấm tới 20 năm mới được dựng thành kịch bản để diễn trên sân khấu…

Tại sao vậy? Làm thơ thì bị phê bình là khó hiểu và không vần nên Đảng bắt sửa chữa cho có vần, soạn kịch thì bị cho là có hậu ý, viết văn thì bị coi là có khuynh hướng tiểu tư sản không phục vụ cho đấu tranh giai cấp... Thế mà, Nguyễn Đình Thi vẫn là một ông quan văn nghệ suốt cả cuộc đời và không bị thăng giáng như các nhân vật khác. Có lẽ ở Nguyễn Đình Thi, cuộc đấu chiến khốc liệt giữa công danh và văn chương thể hiện rõ nhất. Thành ra, sự lựa chọn đã làm ông lúc nào cũng như người sống ép buộc với những điều mà ông coi là giả tạo và nhiều khi tự khinh bản thân mình…

Nguyễn Đình Thi có một mối tình thắm thiết với một nữ văn sĩ người Pháp mà ông gặp ở Đại Hội Liên Hoan Thanh Niên Sinh Viên Thế Giới. Nhưng bị Đảng cấm đoán. Và, thế là họ như đôi chim từ quy đi tìm nhau hoài mà không gặp được. Kẻ ác đã chia rẽ hai người. Nguyễn Đình Thi đã “lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc / Những đêm thao thức tiếng từ quy” và làm thơ như:

Anh đứng đây thầm gọi tên em
Xa em anh ngơ ngác
Anh gọi em, anh gọi mãi
Em có nghe thấy anh không?


Mối tình ấy còn để lại sâu đậm trong suốt cuộc đời ông. Trước khi qua đời, Ông để lại cho người con là Nguyễn Đình Chính một cặp da cũ chứa đầy những kỷ vật gồm hàng nghìn thư từ tranh ảnh, phong bì, những bài báo cắt dán... của một mối tình đau đớn. Thế mà, vì con đường làm quan, phải thỏa hiệp để có danh lợi, nên thi sĩ đành chôn chặt những uất hận trong lòng…

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đường mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây
Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần


M., là EM, hay là Madeleine Riffaud cũng thế, Nguyễn Đình Thi làm thơ tình yêu mà cũng phải ngụy trang những đất nước, những chiến sĩ,…

Nguyễn Đình Thi còn là thi sĩ của những câu thơ mà một thời đã được coi như là những bước đầu khai phá cho thơ tự do, thơ không vần. Những bài thơ như thế lại bị chỉ đạo của Tố Hữu với những phê bình của phản ứng gay gắt nghiệt ngã khiến thi sĩ phải chiều lòng sửa lại để thơ có thêm vần điệu. Xin mời Qv&cb, chúng ta cùng nghe lại trích đoạn bài thơ Đất Nước.

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổii ngày xưa vọng nói về

Giá ông cứ dám là mình, cứ dám đi cho thật hết cái lẽ phải của thơ theo quan niệm của mình thì rất có thể ông đã có vai trò như Xuân Diệu với phong trào thơ mới. Hòa giải đôi khi là thỏa hiệp là nhượng bộ, làm mất một cơ hội tạo diện mạo cho mình, tạo diện mạo hoàn toàn mới cho thơ. Vừa muốn là mình, vừa không dám là mình, ngẫm bi kịch ấy đâu chỉ diễn ra trong mỗi việc cách tân thơ, cũng đâu chỉ với riêng ông. Nó khó thế, nó cũng buồn thế!…”

Vâng, không phải chỉ riêng với Nguyễn Đình Thi mà hầu như phần đông văn nghệ sĩ sống trong nền văn học gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” đều phải nhắm mắt làm những việc bất đắc dĩ. Chính người trong cuộc cũng cảm thấy thấy buồn chán nhưng không có cách nào hơn.

Cuối đời, Nguyễn Đình Thi có bài thơ cuối cùng, như một lời tuyệt mệnh linh cảm từ một chuyến viễn du xa mãi mãi, Và trong một câu thơ ông đã thốt lên: Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm

Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng người ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
ngổn ngang qua tạm cuộc đời
Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay


Nguyễn Đình Thi mất ngày 18 tháng Tư năm 2003. Thọ 79 tuổi.

(Biên soạn từ bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh)