Một loạt các vụ bắt giữ thời gian qua ở Campuchia khiến dư luận nêu câu hỏi là phải chăng vụ tranh chấp ở biên giới đã khiến cộng đồng của người Việt Nam ở xứ sở Chùa Tháp trở thành mục tiêu trấn áp.
Tin tức từ Campuchia cho biết, mới đây, cơ quan phụ trách nhập cư của nước này đã bắt giữ gần 40 công nhân Việt Nam trong các đợt truy quét ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal, trong khi 72 công dân Việt đã bị trục xuất khỏi vương quốc này.
Giới hữu trách được trích lời nói rằng những người trên không có giấy tờ hợp lệ và đã bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Campuchia.
Các vụ bắt giữ và trục xuất xảy ra ít lâu sau khi bùng ra xô xát giữa hàng trăm người Việt Nam và Campuchia trên biên giới Tây Nam khiến một số người cho rằng người Việt ở nước láng giềng đang “trở thành tốt thí”.
Ngoài ra, người Việt ở xứ sở Chùa Tháp còn lo ngại rằng các cơ sở làm ăn, buôn bán của họ có thể bị tấn công.
Anh Phan Châu, một người sinh sống và làm việc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, cho biết hiện thời cuộc sống của anh không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng “vẫn hơi lo lắng”.
“Thực ra là cũng có một chút lo, vì cách đây một vài năm, khi mà tình hình căng thẳng lên cao điểm những đợt bầu cử, những người đối lập của chính phủ hiện tại người ta đi đập phá cửa hàng của người Việt Nam thành ra mình cũng lo. Nhưng hiện tại cũng chưa biết ra sao. Tôi nghĩ là nếu mà tình hình căng thẳng lan rộng thì sẽ lặp lại tình trạng đó thôi”.
Thực ra là cũng có một chút lo, vì cách đây một vài năm, khi mà tình hình căng thẳng lên cao điểm những đợt bầu cử, những người đối lập của chính phủ hiện tại người ta đi đập phá cửa hàng của người Việt Nam thành ra mình cũng lo. Nhưng hiện tại cũng chưa biết ra sao. Tôi nghĩ là nếu mà tình hình căng thẳng lan rộng thì sẽ lặp lại tình trạng đó thôi.Anh Phan Châu.
Tờ Khmer Times dẫn lời các nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc truy quét người nhập cư trái phép “không chỉ nhắm vào người Việt Nam” và “không phải vì lý do sắc tộc”.
Phe đối lập Campuchia lâu nay vẫn chỉ trích chính quyền Phnom Penh là không siết chặt luật nhập cư, dẫn tới làn sóng người Việt Nam tràn vào nước này.
Anh Châu cho biết anh không nghĩ có sự liên quan giữa tình hình căng thẳng chính trị hiện thời với việc bắt giữ nhiều người Việt thời gian qua. Anh nói:
“Chính phủ Campuchia từ trước tới giờ đều có các đợt cao điểm truy quét. Chẳng qua là có sự trùng hợp thời điểm. Người ta không chịu gia hạn hộ chiếu, cứ tìm cách làm việc trái phép bên này nên chính phủ Campuchia buộc phải bắt người Việt của mình. Cái đấy là đúng luật bên này”.
Quan chức đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia từng bày tỏ trên báo chí nước chủ nhà về việc đảng đối lập Cứu quốc Campuchia “lợi dụng vấn đề sắc tộc cho lợi ích chính trị”.
Việc hàng trăm người Campuchia, mà đi đầu là các dân biểu đối lập, tới vùng biên giới với Việt Nam, dẫn tới xô xát và gây quan ngại rằng tinh thần bài người Việt có thể lại bùng lên tại nước láng giềng.
Mới đây, tin cho hay, có hàng chục ngôi mộ của người Việt ở tỉnh Kandal bị đập phá không rõ lý do, gây nhiều quan ngại.
Khi được hỏi về sự kỳ thị của người Campuchia đối với cộng đồng người Việt, anh Phan Trọng Thanh, một người Việt sống ở Phnom Penh, cho biết:
“Những người lớn tuổi không có gì đâu, họ vẫn giúp với người Việt Nam bình thường. Chỉ có mấy người nhỏ nhỏ bị kích động này nọ thôi. Mấy đứa nhỏ từ bé đã bị nhồi sọ từ từ, nói Việt Nam làm cái này xấu, cái kia xấu gì đó, rồi có ác cảm với người Việt Nam thôi. Đảng phe đối lập họ nói trúng tâm lý nên mấy đứa con nít nó nghe theo dữ lắm. Những thanh niên trẻ tuổi đa số họ nghe theo phe đối lập nhiều. Bây giờ ra đường, người nào họ ghét mình, thì họ chỉ nói xiên nói xỏ vài câu thôi, chứ người ta không có khi nào mà người ta đè ra đánh mình, hay bắt mình hết”.
Hiện có hàng trăm nghìn, thậm chí có tin nói hơn triệu người Việt Nam, đang sinh sống và làm ăn ở Campuchia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng lên tiếng yêu cầu chính quyền Phnom Penh bảo vệ các công dân Việt Nam tại Campuchia.
Your browser doesn’t support HTML5