Người Việt Nam kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi

Theo đại diện của tổ chức ‘Voices of Vietnam’, cho tới nay, họ chưa nhận được hồi đáp của bà Park Geun-hye.

Mười phụ nữ Việt, tự nhận bị binh sĩ Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam, đã viết thư yêu cầu chính quyền Seoul, nhất là Tổng thống Park Geun-hye, phải công khai xin lỗi vì những gì lực lượng của nước bà gây ra đối với họ hàng chục năm trước.

Các nạn nhân bị tấn công tình dục, nay ở tuổi ‘gần đất xa trời’, chính thức khởi động chiến dịch tìm lại công lý hôm nay, 15/10, bằng việc gửi một lá thư ngỏ tới Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc và gửi thêm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, với sự hỗ trợ của tổ chức ‘Voices of Vietnam’ ở Hoa Kỳ, nơi bà Park đang có chuyến công du kéo dài nhiều ngày.

Bức thư có đoạn: “Chúng tôi viết cho bà hôm nay vì chúng tôi lo sợ rằng các câu chuyện của chúng tôi sẽ bị lãng quên. Nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi chính thức, một sự thừa nhận hay bồi thường từ chính phủ của bà”.

Bà Trần Thị Ngải, 74 tuổi, là một trong những người phụ nữ ký vào lời yêu cầu gửi bà Park Geun-hye.

Tôi mong muốn Tổng thống Hàn Quốc phải hồi đáp. Người đàn bà như tôi cần phải có cái công bình. Ba đứa con tôi tại nước Việt Nam rất là khổ cực. Con tôi không ai cho học. Nhà cửa bị tịch thu, và họ đánh chết ông cha tôi. Nếu không xảy ra cái quá khứ thì giờ này tôi sống như những người phụ nữ đàng hoàng, nhà cao cửa rộng.
Bà Trần Thị Ngải nói.

Bà nói thêm với VOA Việt Ngữ về lý do lên tiếng: “Tôi mong muốn Tổng thống Hàn Quốc phải hồi đáp. Người đàn bà như tôi cần phải có cái công bình. Ba đứa con tôi tại nước Việt Nam rất là khổ cực. Con tôi không ai cho học. Nhà cửa bị tịch thu, và họ đánh chết ông cha tôi. Nếu không xảy ra cái quá khứ thì giờ này tôi sống như những người phụ nữ đàng hoàng, nhà cao cửa rộng. Bây giờ tôi mong ước sao cho tôi được có cái bình đẳng lại, và như thế, con cái tôi nó mới không ân hận là người mẹ làm cho con bị khổ”.

Bức thư viết tiếp: “Chúng tôi kêu gọi bà hãy sử dụng quyền lực và năng lượng của mình để làm dịu bớt nhiều thập kỷ chúng tôi phải chịu đựng nỗi thống khổ và con cái chúng tôi, bị gọi là Con lai đại Hàn, phải chật vật sinh sống”.

Ông Trần Văn Ty, 45 tuổi, là con trai của bà Ngải. Ông được sinh ra tại huyện Tuy Hòa, Phú Yên, sau khi mẹ ông “bị lính Hàn Quốc hãm hiếp”.

Ông kể với VOA Việt Ngữ về những thách thức vấp phải trong cuộc sống: “Trong thời gian tháng Tư năm 75, tôi bắt đầu nghe những lời người lớn họ nói hay bạn bè nói với tôi rằng ‘mày là thằng con ngoại lai, con của tụi lính đánh thuê Nam Triều Tiên, con của tụi khát máu, giết người không gớm tay. Họ đánh, họ chế giễu tôi, ‘mày là con lai, mày là con của tụi đánh thuê Triều Tiên, tụi nợ máu của nhân dân, hãy đánh’. Họ hô một phát là xô vào đánh tôi, như đánh kẻ thù. Họ đánh tới tấp. Họ đánh tôi như là một tội phạm. Tôi đã phải chịu những trận đòn đó trên dưới 10 năm”.

Bà Trần Thị Ngải, 74 tuổi, là một trong những người phụ nữ ký vào lời yêu cầu gửi bà Park Geun-hye.

Chính phủ Việt Nam chưa công bố con số thống kê các nạn nhân bị binh sĩ Hàn Quốc tấn công tình dục, nhưng theo bức thư, hiện có khoảng 800 phụ nữ trong số hàng nghìn người từng bị hãm hiếp vẫn còn sống.

Có hàng trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng với lực lượng Mỹ tham chiến ở Việt Nam, và người đứng đầu chính quyền Seoul khi ấy là ông Park Chung-hee, cha đương kim Tổng thống Park Geun-hye.

Ông Ty cho biết đã một số lần tới Hàn Quốc để tìm cha. Ông kể, có lần, khi tới trụ sở của hội cựu chiến binh của nước này nhưng họ nói với ông rằng “ở Việt Nam, không có một người con nào của lính Đại Hàn cả, và đừng bao giờ nói với họ về điều đó”.

"Bặt vô âm tín"

Ông cũng đã nhiều lần viết như gửi tới các cấp của Hàn Quốc, nhưng không nhận được hồi âm. “Bao nhiêu bức thư tôi gửi đi đều bặt vô âm tín. Họ không bao giờ trả lời cho chúng tôi, và họ cũng không bao giờ thèm đả động tới con lai đại Hàn dân quốc”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Ty cho biết ông sẽ không dừng lại cho tới khi nào nhận được lời xin lỗi.

Tôi tha thiết yêu cầu chính phủ Hàn, nhân dân Hàn hãy lên tiếng, trả lại danh dự cho mẹ chúng tôi. Những người mẹ chúng tôi đau bênh già yếu, mà để chết đi trong sự nhục nhã thì chúng tôi cứ phải giữ cái nỗi nhục nhã đó mà chúng tôi sống hay sao?
Ông Trần Văn Ty nói.

Ông nói tiếp: “Tôi tha thiết yêu cầu chính phủ Hàn, nhân dân Hàn hãy lên tiếng, trả lại danh dự cho mẹ chúng tôi. Những người mẹ chúng tôi đau bênh già yếu, mà để chết đi trong sự nhục nhã thì chúng tôi cứ phải giữ cái nỗi nhục nhã đó mà chúng tôi sống hay sao? Hãy trả lại cho chúng tôi quyền sống, chứ không phải để cho chúng tôi sống tại một đất nước mà chúng tôi không có tự do”.

Một lời kêu gọi cũng đã được lập trên trang change.org, và hiện đã có gần 30 nghìn người ký tên ủng hộ.

Theo đại diện của tổ chức ‘Voices of Vietnam’, cho tới nay, họ chưa nhận được hồi đáp của bà Park Geun-hye.

Những người phụ nữ Việt gửi bức thư cho bà Park một tháng sau khi 10 phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép quan hệ tình dục với binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến II đệ đơn kiện ở tòa án ở Hàn Quốc để đòi gần 90 nghìn đôla bồi thường từ chính phủ Nhật.

Đây là lần đầu tiên những người phụ nữ được gọi là “an úy phụ” của Hàn Quốc đòi Nhật bồi thường tại tòa án trong nước vì những nỗi thống khổ mà họ trải qua trong thời kỳ chiến tranh.