Các mối lo ngại đang gia tăng ở Li Băng trong lúc mùa đông sắp tới và có thêm nhiều người Syria tị nạn đến ở tại các địa điểm tạm trú vì không đủ tiền thuê nhà. Từ Beirut, thông tín viên John Owens của đài VOA gởi về bài tường thuật.
Các cơ quan cứu trợ đang tìm cách giảm bớt những hậu quả tai hại của thời tiết băng giá và những cơn bão tuyết đã giết chết 8 người hồi năm ngoái, trong đó có 3 người Syria tị nạn.
Nhiều người tị nạn phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của người khác vì chính phủ Li Băng hạn chế khả năng mưu sinh của họ.
Ông Redwan al-Omar, có 7 đứa con, đã trải qua hai mùa đông tại một trại tị nạn trong vùng Bekaa của Li Băng kể từ khi chạy trốn khỏi thành phố Aleppo của Syria.
Ông nói với phóng viên VOA về sự khốn khổ của gia đình ông khi phải sống trong một căn lều vải bạt.
“Chúng tôi hết củi để đốt. Trời rất lạnh và cuộc sống của chúng tôi khi đó hết sức khổ sở. Chúng tôi thiếu thốn tất cả mọi thứ, và căn lều còn bị sập vì tuyết đè. Chúng tôi cần được giúp đỡ. Nơi chúng tôi ở bây giờ không khác gì túp lều của người ăn mày”.
Ông Omar còn bị khốn đốn vì mắt ông bị loà do bệnh tiểu đường. Người đàn ông 55 tuổi này nói.
“Chúng tôi không có tiền. Làm sao mà tôi có thể đi khám bác sĩ được? Nếu bạn là người lạ, không ai giúp bạn cả. Tôi chỉ muốn chết cho rồi”.
Ông Omar không phải là người duy nhất bị khốn khổ vì vấn đề tiền bạc và sẽ phải đối mặt với vô số khó khăn khi phải sống qua mùa đông tại những nơi trú ngụ tạm bợ.
Số người tị nạn phải sống ở những nơi không thể giúp họ chống chọi với thời tiết giá lạnh đã tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, 55% người tị nạn ở Li Băng tạm trú tại những nơi thiếu an toàn, như những tòa nhà chưa xây xong, những nơi đậu xe, hoặc những căn lều như căn lều của gia đình ông Omar. Tỉ lệ này của năm ngoái là 40% và là 33% trong năm 2013.
Trong khi đó, 90% những người tị nạn bị thiếu nợ và số nợ trung bình mỗi năm đã tăng 22% trong năm nay.
Phát ngôn viên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, bà Dana Sleiman, cho biết như sau:
“Vì nợ nần gia tăng, chúng tôi nhận thấy một cái vòng lẩn quẩn của người tị nạn. Nhiều người năm ngoái có khả năng tài chánh để thuê một căn chung cư giờ đây phải vào ở trong một căn lều. Chúng tôi thấy cả một khối người lâm vào cảnh phải ở những nơi tạm trú thiếu an toàn, và những nơi không có cơ sở hạ tầng dễ bị tác động bởi các yếu tố thời tiết”.
Một số người cho rằng những chính sách của chính phủ Li Băng đã góp phần tạo ra sự tuộc dốc này.
Từ đầu năm nay, các biện pháp hạn chế đã được áp dụng để ứng phó với sự có mặt của khối người tị nạn mà số liệu chính thức nói là khoảng 1,1 triệu người, nhưng nhiều người cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Nhiều người Syria tị nạn bị chính phủ Li Băng đòi phải ký một tờ cam đoan là không làm việc.
Trong khi đó, vì tiết trời lạnh hơn, giá nhiên liệu đã tăng cao và mối đe dọa đối với sức khỏe của những người tị nạn cũng vậy.
Ông Sleiman Gaber, người điều hợp một dự án ở vùng Bekaa của một tổ chức từ thiện của Ý để giúp người tị nạn trong mùa đông, cho biết như sau:
“Tôi e rằng mùa đông năm nay sẽ rất tệ, vì họ dự báo sẽ có nhiều bão tuyết hơn”.
Ông Gaber cho biết thêm là người Syria ở Li Băng thiếu cơ hội tìm được công ăn việc làm, cho nên họ phải chịu nhiều khổ sở hơn nữa trong mùa đông.
Việc không có nơi ở thích hợp trong mùa đông có thể gây chết người. Tháng Giêng năm nay, những trận bão tuyết đã gây tử vong cho 3 người Syria tị nạn, trong đó có một em bé.
Trên khắp Li Băng, những sự trợ giúp thường được cung cấp dưới hình thức quần áo và những vật dụng để gia cố những nơi tạm trú. Nhưng mùa đông năm nay, nhiều tổ chức cứu trợ đã chuyển hướng để tập trung vào việc phát thẻ tiền mặt cho người tị nạn.
Ông Sleiman giải thích như sau:
“Điều này trao quyền cho họ và để cho họ dựa trên nhu cầu của mình mà chọn mua những vật dụng cho mùa đông”.
Hiện tượng mệt mỏi của những người quyên tặng tiếp tục gây khốn đốn cho các cơ quan cứu trợ, với những nỗ lực để ứng phó với vụ khủng hoảng này luôn luôn bị thiếu hụt ngân quỹ. Tuy nhiên, một số sự việc diễn ra hồi gần đây mang lại một số hy vọng cho các tổ chức từ thiện.
Sau khi vụ khủng hoảng người di dân và người tị nạn ở Âu châu thu hút sự chú tâm của mọi người trên thế giới, Ủy hội Âu châu đã tăng gấp đôi sự hỗ trợ cho các cơ quan như Cao ủyTị nạn Liên Hiệp Quốc tới mức hơn 1 tỉ đôla.
Ông Sleiman cho biết chương trình phát thẻ tiền mặt đang được thực hiện cho hơn 150.000 gia đình, cao gần gấp đôi con số của mùa đông năm ngoái, và những nhà hảo tâm mới đã bắt đầu quyên góp từ vài tháng nay.
Bà Mariam Farah Ramadan và 6 đứa con đang sống trong một căn lều cách căn lều của ông Omar không xa. Mới đây bà đã được phát gỗ và những vật dụng khác để làm cho căn lều của bà được vững vàng hơn.
Bà cho biết khi tới Li Băng hồi năm ngoái, bà và gia đình bà đã phải trải qua một mùa đông “hết sức lạnh” trong lúc thiếu thốn mọi thứ.
“Mùa đông năm ngoái thật là khổ sở. Tiết trời ban đêm rất lạnh mà chúng tôi không có đủ chăn mền”.
Bà cho biết, nhờ có những tấm bạt plastic không thấm nước và những thanh gỗ để chống nóc lều, bà hy vọng sẽ đỡ khổ hơn trong mùa đông năm nay.