Người thân của 10 tù nhân lương tâm tại Việt Nam mới đây đã kiến nghị với một đại diện của Liên Hiệp Quốc rằng tổ chức toàn cầu này cần gây sức ép để chính quyền Việt Nam trả tự do hoặc cải thiện điều kiện giam giữ các tù nhân đó.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đang bị cầm tù, cho VOA biết gia đình bà đại diện cho 8 gia đình đã họp qua mạng với ông Surya Deva, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Phát triển, vào ngày 3/11.
Gia đình bà Thu có ba người bị bỏ tù vì tranh đấu cho các quyền lợi đất đai và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản, đó là chồng bà, Trịnh Bá Phương, 38 tuổi; mẹ chồng Cấn Thị Thêu và em chồng Trịnh Bá Tư.
Tham gia cuộc họp mới đây cùng bà Thu là bố chồng Trịnh Bá Khiêm và em chồng Trịnh Thị Thảo.
Theo tìm hiểu của VOA, cuộc họp của gia đình bà Thu với Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Deva diễn ra ngay trước khi ông thăm Việt Nam từ ngày 6-15/11.
Chuyến thăm của ông Deva, theo lời mời của chính phủ Việt Nam, có mục tiêu đánh giá tiến trình của quyền phát triển ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị tới chính phủ Việt Nam để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và thúc đẩy hiện thực hóa quyền phát triển.
Nói về trường hợp của gia đình mình, bà Thu cùng bố chồng và em chồng cho đại diện của LHQ biết rằng vào giữa năm 2020, bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư bị bắt vì “tuyên truyền chống nhà nước”, một cáo buộc bị gia đình xem là “mơ hồ”. Trước khi bị bắt, cả ba người luôn bị “sách nhiễu, đánh đập, câu lưu vô cớ”, họ nói.
Bà Thêu và ông Tư bị kết án mỗi người 8 năm tù giam, 5 năm quản chế. Ông Phương bị kết án 10 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Gia đình bà Thu nói với viên chức của LHQ rằng cả ba mẹ con bà Thêu “đều bị ngược đãi, bị đánh đập và tra tấn trong thời gian tạm giam”, riêng ông Phương thậm chí “bị cưỡng bức đưa vào trại tâm thần”, bà Thu thuật lại với VOA về nội dung trao đổi với đại diện của LHQ. Họ cũng nói với ông Deva rằng bà Thêu và ông Phương “bị giam chung với người nhiễm HIV”.
VOA cố gắng liên lạc với đại diện các trại giam để hỏi về các trường hợp nêu trên nhưng không kết nối được.
Bà Thu cho hay gia đình bà khẳng định với báo cáo viên đặc biệt của LHQ rằng cả ba ông bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư “đều vô tội”, họ chỉ đấu tranh “bằng các biện pháp ôn hòa” để chống lại việc bị cướp đất. Tuy nhiên, họ bị nhà cầm quyền trả đũa bằng các biện pháp “đàn áp” và các bản án “rất nặng”.
Cáo buộc rằng việc chính quyền thu hồi đất nhiều nằm trước đây là “độc đoán” và các phiên tòa xét xử bà Thêu, ông Phương, ông Tư đều “không công bằng, không minh bạch”, gia đình bà Thu nhấn mạnh với phía LHQ rằng chính quyền Việt Nam “vi phạm Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ”.
Bà Thu nói với đại diện của LHQ rằng điều kiện giam giữ ba người thân của bà rất tồi tệ. “Ba người bị giam ở ba nơi và nhà tù ở rất xa. Họ thường xuyên bị kỉ luật vì không nhận tội. Ăn uống thiếu thốn, không được chăm sóc y tế. Việc này vi phạm điều 10 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”, gia đình bà nói, bà thuật lại với VOA.
Từ những điều kể trên, gia đình bà Thu kiến nghị với LHQ giúp họ đấu tranh để Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người vô tội là Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, và Trịnh Bá Tư”.
Trong trường hợp ba người chưa được trả tự do ngay, chính quyền Việt Nam “phải cải thiện điều kiện giam giữ của tù nhân lương tâm”, bao gồm “được chăm sóc y tế, được gia đình gửi thêm khẩu phần ăn nếu nhà nước không đủ sức chăm sóc chu đáo cho tù nhân lương tâm, và được chuyển về trại giam gần nhà”, họ kiến nghị.
Đó cũng là đề nghị của các gia đình những tù nhân lương tâm khác với đại diện của LHQ. Họ muốn cơ quan toàn cầu quan trọng này tiến hành điều tra độc lập về tình trạng giam giữ tại Việt Nam, nhất là đối với các tù nhân lương tâm.
“Trước tình trạng vi phạm quyền của người bị giam giữ trên diện rộng, đã xảy ra với rất nhiều tù nhân lương tâm, Liên Hiệp Quốc cần tiến hành một cuộc điều tra độc lập để đảm bảo chính quyền Việt Nam tuân thủ các điều khoản quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”, họ đưa ra ý kiến trong bản kiến nghị.
“Liên Hiệp Quốc cần giám sát và kiểm tra việc bảo vệ nhân quyền đối với các tù nhân lương tâm nói riêng, và toàn thể các tù nhân nói chung, ở Việt Nam”, 8 gia đình nhấn mạnh với báo cáo viên đặc biệt của LHQ.
Việt Nam lâu nay vẫn bác bỏ những lời chỉ trích của Mỹ, một số nước khác và các tổ chức quốc tế về tình hình nhân quyền. Bộ Ngoại giao và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các dịp khác nhau đều khẳng định rằng đất nước luôn tôn trọng và không ngừng nỗ lực để bảo đảm nhân quyền cho người dân. Họ cũng lưu ý rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị kết án vì vi phạm pháp luật.
Việt Nam cũng tuyên bố trong một số dịp rằng các trại giam của họ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho phạm nhân; các biện pháp giáo dục phạm nhân luôn đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật; bên cạnh đó, chế độ lao động, chế độ gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân cũng được nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật.