Người Mỹ và 2 cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam sắp giữ chức lớn

Ông John Kerry đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao

Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hai cựu quân nhân trong chiến tranh Việt Nam sắp giữ những vị trí then chốt trong chính quyền Obama. Quốc hội đã phê chuẩn vị trí bộ trưởng ngoại giao cho Thượng nghị sĩ John Kerry và vào thứ Năm, sẽ họp bàn để phê chuẩn chức bộ trưởng quốc phòng cho cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel. Dịp này, Thông tín viên VOA Carolyn Presutti đã phỏng vấn một số người về sự kiện này và ghi lại như sau:

Cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel


Tại bức tường kỷ niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington, ông Larry Varr, một cựu quân nhân trong cuộc chiến tranh này cho biết:

“Tôi tìm ra hai người bạn cũ của tôi trên bức tường đằng kia.”

Ông Varr là trung sĩ Không quân trong một năm tại Việt Nam và sau đó bị bắt làm tù binh.

Sơ lược quá trình hoạt động của ông Chuck Hagel

Sơ lược quá trình hoạt động của ông Chuck Hagel:

- Chủ tịch nhóm soạn chính sách công Atlantic Council.
- Đồng Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Tình báo của Tổng thống.
- Thượng nghị sĩ Cộng hòa (1997-2009) đại diện tiểu bang Nebraska.
- Phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, được thưởng Chiến thương Bội tinh.
- Sinh năm 1946 tại Nebraska.
Cùng thời gian đó với ông, cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, người được Tổng thống Obama đề cử làm bộ trưởng quốc phòng, là một tiểu đội trưởng bộ binh. Còn Thượng nghị sĩ John Kerry, vừa được phê chuẩn làm bộ trưởng ngoại giao, là trung úy Hải quân và sau khi trở về Mỹ, trở thành một người phản chiến.

Một số cựu chiến binh Mỹ bây giờ xem Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến không cần thiết.

Ông Varr nói rằng kinh nghiệm Việt Nam có thể tác động hai ông Kerry và Hagel:

“Đó là bài học lớn nhất để đời, giúp ta biết được nếu ta làm đúng thì sẽ như thế nào, nếu ta làm sai thì sẽ như thế nào.”

Một cựu chiến binh khác, ông David Kroepsch có cha phục vụ tại Việt Nam khi ông còn đi học ở North Carolina.Ông cho biết cảm tưởng về hai ông Kerry và Hagel:

“Cả hai ông có nhiều phần chắc sẽ cẩn thận hơn khi đưa đất nước tiến vào con đường chiến tranh, vì họ đã có kinh nghiệm về chuyện này. Tôi cho rằng họ sẽ bảo thủ hơn, nếu so với phe diều hâu, nhưng trong cái nghĩa tốt.”

Lập trường về quân sự của hai ông Kerry và Hagel nghe nói tương tự như lập trường của Tổng thống Obama.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu điều này đúng sẽ dẫn đến những cuộc tranh cãi ít hiệu quả.

Nhà phân tích James Carafano của tổ chức Heritage Foundation lo ngại về một nhóm có cùng tư duy như nhau:

“Tôi lo ngại khi thấy những người có cùng nhãn quan về thế giới như nhau, cùng bước vào tương lai chỉ vì có cùng tư duy, và có thể là sẵn sàng nhắm mắt, bỏ qua những ý kiến của người khác, trái chiều với nhãn quan của họ.”

Một nhà phân tích khác, ông Anthony Cordesman đã từng phục vụ cho nhiều bộ trưởng quốc phòng. Ông nói rằng lập trường của hai ông Kerry and Hagel được định hình bởi các cuộc chiến tranh gần đây tại Iraq, Afghanistan và vùng Balkan. Ông phân tích:

“Ở đây không có vấn đề triết lý. Ở đây là vấn đề phân tích quân sự rất lạnh lùng, rắn chắc, để làm thế nào có được rủi ro tương đối. Đây là những điều mà tôi nghĩ Tổng thống Obama và cả hai nghị sĩ có thể làm được.”

Thượng nghị sĩ Kerry được phê chuẩn nhanh chóng cho chức Ngoại trưởng, còn ông Hagel có lẽ sẽ gặp một quy trình phê chuẩn gai góc hơn.

Thượng nghị sĩ John Kerry