Về quê thắp ông bà một nén nhang, thăm mồ mả, đón tháng Chạp trên quê cũ và nghe âm thanh một thuở của sông quê, tìm lại tiếng gọi đò, tìm hình bóng một thuở quê nhà mà trong cuộc hành trình viễn xứ, dường như những điều ấy chỉ còn trong ký ức. Tết về, về quê đón Tết. Hằng năm, bắt đầu từ những năm 1990 trở lại, cứ đến dịp xuân về, các sân bay phía Nam vĩ tuyến 17 lại tấp nập kẻ đón người về từ bên kia đại dương. Những Việt Kiều về quê đón Tết.
Bà Trần Thị Sự, Việt kiều Mỹ, hiện sống tại thành phố Houston chia sẻ: “Về Việt Nam rất vui, cũng có nhiều người thân, người quen ở đây nên rất là sung sướng được ở đây. Và sân bay Đà Nẵng cho cảm giác rất an toàn. Bữa trước chị về bên Tân Sơn Nhất hơi ngại nhưng bên này rất ok.”
Đà Nẵng là một trong những thành phố có số lượng người Việt sống ở nước ngoài nhiều nhất nước. Tháng Chạp, sân bay Đà Nẵng rộn ràng cảnh đón người thân từ khắp các nước về thăm gia đình, đón Tết cùng người thân trong nước. Cảm thức Tết Việt như một bản nhạc du dương trong tâm hồn người con xứ Việt, những ai từng ngắm hoa mai nở khi tàn đông, chắc hẳn khó quên mùi hương hoa mai và mù sương tháng Chạp.
Bà Trần Thị Sự chia sẻ thêm rằng là người sống trên đất Mỹ đã vài mươi năm, qua 11 lần về thăm quê, lần này, gia đình bà Trần Thị Sự mới có dịp về thăm quê trong dịp Tết. Bởi hai ông bà đã nghỉ hưu, thời gian Tết Việt Nam không còn là thời gian đi làm theo lịch phương Tây. Được đón Tết cùng người thân ở quê, được đi viếng mộ ông bà, tổ tiên trong dịp tảo mộ, được thắp nén nhang lên bàn thờ, dâng mâm cơm rước gia tiên ngày Ba Mươi Tết, đối với ông bà Sự, đó là sự ấm áp và niềm vui khó nói.
Bà Trần Thị Sự chia sẻ thêm: “Bên này thì ăn Tết đầm ấm hơn. Còn bên Mỹ thì đời sống bận rộn hơn, cộng đồng người nào cũng có tổ chức này kia nhưng mình ít tham dự vì mình đi làm những ngày đó. Sinh hoạt thì không thay đổi gì nhiều!”
Về Việt Nam thăm bà con, thăm người thân, nghe hương vị bánh chưng, bánh tét, lì xì cho con cháu chút tiền mua quà Tết rồi tháng Giêng lại ra sân bay, lại người đi kẻ ở. Dường như điệp khúc nằng nặng nỗi buồn ấy vẫn chưa bao giờ chấm dứt trong tâm hồn người Việt sống ở hải ngoại. Bởi quê cũ như một cội mai già, đến tháng Chạp về, nghe sương mù réo rắt, lại cựa mình trổ bông.