Kể từ khi Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia qua đời, tên của những người có thể kế nhiệm ông đã được bàn đến ở Washington và trong giới luật gia. Một trong những người có thể được đề cử là bà Jacqueline Nguyễn, một người Việt tị nạn. Thông tín viên Elizabeth Lee gởi về bài tường thuật từ Quận Cam, tiểu bang California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam.
Cách Los Angeles hơn 50 kilomet về phía nam là Little Saigon, hay còn gọi là “thủ phủ của cộng đồng người tị nạn Việt Nam”. Ở đây, nhiều người đã cảm thấy phấn chấn khi có tin một người Mỹ gốc Việt có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Ông Đỗ Dũng, Chủ biên tờ Người Việt, nói: “Họ muốn có một người nào đó ở đây đạt được một thành tựu nào đó, giống như đại diện cho họ, để họ có thể nói với những người khác [những người cộng sản Việt Nam] rằng ‘Nhìn đây, chúng tôi bỏ chạy khỏi các người, nhưng bây giờ chúng tôi đã thành công’. Đó là cảm nghĩ của nhiều người”.
Là chủ biên của tờ báo tiếng Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam, ông Đỗ Dũng đã phỏng vấn bà Jacqueline Nguyễn. Ông nói nhiều người trong cộng đồng người Việt có thể đồng cảm với bà.
Bà Jacqueline và gia đình rời bỏ quê hương đi tị nạn khi những người cộng sản kiểm soát Nam Việt Nam. Là người tị nạn ở Mỹ, bà Jacqueline ban đầu sống ở một khu lều trại trước khi định cư ở Los Angeles. Bà nói về trải nghiệm của mình trong đoạn video này do Tòa án Mỹ sản xuất.
“Ba má tôi rất sốc vì họ không chỉ đương đầu với việc bị mất quê hương mà còn cả viễn cảnh phải bắt đầu lại mọi việc, cố gắng kiếm được thức ăn và nơi ở cũng như nuôi dậy sáu người con ở một đất nước xa lạ. Bất cứ khi nào có cơ hội việc làm, mẹ tôi đều nhận ngay”.
Bà Mia Yamamoto, một người bạn lâu năm, nói gốc gác của bà Jacqueline đã định hình sự tận tuỵ của bà trong việc phục vụ người khác thông qua những công việc trong lãnh vực pháp luật.
Bà Mia Yamamoto, luật sư bào chữa hình sự, nói: “Bà đã bỏ qua rất nhiều sự lựa chọn có nhiều ưu thế hơn, và chắc chắn là béo bở hơn, để theo đuổi niềm say mê phụng sự công chúng”.
Bà Jacqueline hiện là Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ.
Bà Karin Wang, thuộc tổ chức Người Mỹ gốc Á Thúc đẩy Công lý ở Los Angeles, nói:
“Giờ đây, cuối cùng thì chúng tôi cũng có một trong số những người Mỹ gốc Á có thể được cân nhắc thực sự và nghiêm túc cho vị trí Thẩm phán Tối cao Pháp viện, một điều chúng tôi đã không có cách đây vài năm, và điều đó thật sự gây phấn chấn.”
Bà Mia Yamamoto nhận xét: “Riêng việc chúng ta đang nói về điều đó đã là một thắng lợi to lớn…”
Bà Yamamoto nói tiếp như sau về bà Jacqueline Nguyễn.
“Đối với mọi người tị nạn, đối với mọi người nhập cư, nhìn vào bà và nói ‘Tôi cũng có thể làm như vậy. Con cái tôi có thể được trao quyền và các con có thể cũng lớn lên giống như vậy … đó thật sự là lý tưởng Mỹ’”.
Câu chuyện của bà Jacqueline Nguyễn vượt qua những khó khăn và trở thành một thẩm phán liên bang đã là một di sản và nguồn cảm hứng cho những người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới.