Đề cử đại sứ Mỹ nói gì về Việt Nam?

Ông Daniel Kritenbrink (phải) lên tiếng sau khi ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, lên tiếng cảnh báo khả năng xảy ra “xung đột” và “đối đầu” ở biển Đông trong một sự kiện ở thủ đô Washington năm ngoái.

Ông Daniel Kritenbrink (phải) lên tiếng sau khi ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, lên tiếng cảnh báo khả năng xảy ra “xung đột” và “đối đầu” ở biển Đông trong một sự kiện ở thủ đô Washington năm ngoái.

Cựu cố vấn mới được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam.

Ông Daniel Kritenbrink, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được coi là đóng vai trò lớn trong chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015 và của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016.

Trước chuyến công du của “ông chủ” Nhà Trắng, cố vấn an ninh này nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng “nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương tiến về phía trước”.

Việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào.
Ông Daniel Kritenbrink nói.

Cùng với quan điểm với ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Kritenbrink khi ấy nói rằng “việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.

Liên quan tới Biển Đông, tháng Bảy năm ngoái tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, sau khi ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, lên tiếng cảnh báo khả năng xảy ra “xung đột” và “đối đầu” tại vùng biển tranh chấp vì phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, ông Kritenbrink nói rằng Hoa Kỳ không có ý định thổi bùng căng thẳng ở đó để tạo tiền đề hoạt động trong khu vực.

Bạn đọc Diêm Trần bình luận trên Facebook của VOA Việt Ngữ: "Việc đề cử ông Karitenbrink [Kritenbrink] biết tiếng Trung Và Nhật là đại xứ [sứ] tại VN chứng tỏ HK đã coi quan hệ với HN cũng rất quan trọng trong việc [duy trì] an ninh khu vực".

Cựu cố vấn quốc gia Mỹ hồi tháng Hai năm 2016 cũng đã đề cập tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng như tầm quan trọng của tuyên bố từ hội nghị ở tiểu bang California này trong việc đưa ra “một tầm nhìn thống nhất cho tương lai của khu vực”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là người tham dự hội nghị này trước khi rời nhiệm sở, và có cuộc gặp song phương với Tổng thống Barack Obama. Thông cáo của Hoa Kỳ nói rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tiếp tục củng cố mối bang giao Việt – Mỹ trong khuôn khổ của mối quan hệ đối tác toàn diện, “nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề an ninh biển và nhân quyền đối với việc thúc đẩy quan hệ song phương”.

Tuy nhiên, ngay sau khi lên kế nhiệm ông Obama đầu năm nay, Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp định mà Việt Nam kỳ vọng sẽ mang tới “cú hích” cho nền kinh tế.

Ông Daniel Kritenbrink tại Hội nghị CSIS thường niên lần 6 về Biển Đông, 12/7/2016

​Nhà Trắng hôm 27/7 đã chuyển tên của ông Kritenbrink cùng với 15 đề cử đại sứ khác tới Thượng viện Mỹ, nơi cựu cố vấn an ninh quốc gia này phải ra điều trần trước khi được chuẩn thuận.

Trong một sự kiện tương tự năm 2014, ông Ted Osius, người sau đó trở thành đại sứ Mỹ ở Hà Nội, đã nêu vấn đề Biển Đông.

“Chúng ta có trách nhiệm lớn phải đảm bảo rằng các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết theo luật lệ quốc tế và không phải bằng việc ép buộc hay đe dọa. Thật đáng tiếc, gần đây chúng ta thấy một chuối các bước đi đơn phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố về lãnh hải và lãnh thổ”, ông Osius nói 3 năm trước.

Nhà ngoại giao này cũng đề cập tới “các khác biệt thật sự” về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trước ông Osius, ông David Shear năm 2011 cũng từng tuyên bố tại Thượng viện Mỹ rằng ông sẽ tiếp tục “thúc ép” Hà Nội tôn trọng nhân quyền, trong khi tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam, nhất là giáo dục, kinh tế và quân sự.