Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có cuộc điện đàm được mong đợi từ lâu, nhưng không đề cập đến việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai cựu thù lên tầm chiến lược dù hai nước đang kỷ niệm 10 năm thành lập đối tác toàn diện.
Washington đã vận động Hà Nội trong nhiều năm để xem xét nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược nhưng Việt Nam dường như còn ngại ngần, vì theo các nhà quan sát, quốc gia Đông Nam Á còn phải xem phản ứng của Trung Quốc.
Hai chuyến thăm cấp cao liên tiếp trong vòng một tháng của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Hà Nội hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2021 cho thấy Mỹ ngày càng coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và xem Hà Nội là một đối tác quan trọng trong chính sách của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong chuyến công du tới Việt Nam, bà Harris đã đưa ra đề xuất nâng cấp mối quan hệ Mỹ-Việt lên tầm chiến lược nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính lúc đó nói Việt Nam “mong muốn tiếp tục phát triển Quan hệ Đối tác Toàn diện.”
Năm nay giữa bối cảnh mối Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt Nam tròn một thập kỷ, đã có nhiều kỳ vọng rằng hai cựu thù sẽ nâng cấp thành đối tác chiến lược. Nhưng những quan ngại rằng Trung Quốc có thể coi động thái này là thù địch vào thời điểm căng thẳng ngày càng tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là đang khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam do dự.
Nhưng theo ông Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, trong những tuần gần đây, Việt Nam cho thấy họ “đã sẵn sàng nâng cấp mối quan hệ với Mỹ”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Đông Nam Á của CSIS cho VOA biết rằng những người mà ông tiếp xúc ở Việt Nam trong chuyến công tác gần đây nói rằng Hà Nội muốn thực hiện việc này “song song với chuyến thăm của lãnh đạo Đảng.”
Đưa tin về chi tiết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Tổng bí thư Trọng, Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết hai nhà lãnh đạo này “đã nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau.” Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam còn nói rằng “Hai nhà Lãnh đạo vui vẻ nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp vào thời gian phù hợp.”
Tuy nhiên, thông báo của Nhà Trắng về cuộc điện đàm không cho biết việc Tổng thống Biden và Tổng bí thư Trọng trao đổi lời mời khi nói chuyện qua điện thoại. Nhà Trắng không hồi đáp yêu cầu bình luận về thông tin Tổng thống Biden mời người đứng đầu Đảng Cộng sản đến thăm Washington.
Ông Trọng đã trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên thăm Nhà Trắng khi ông được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại Phòng Bầu Dục trong chuyến công du Mỹ năm 2015.
Chuyến thăm đó, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhận định với VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng, đã tạo ra một bước ngoặt trong mối quan hệ Mỹ-Việt khi tạo dựng được thêm lòng tin giữa hai quốc gia cựu thù. Đại sứ Osius, người sắp đặt cho chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ, nói rằng chính Tổng thống Obama nói với Tổng bí thư Trọng rằng Mỹ tôn trọng thể chế của Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền.
Trong cuộc hội đàm với ông Trọng hôm 29/3, Tổng thống Biden nhấn mạnh lại cam kết của Mỹ đối với một “Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, tự cường và độc lập.” Kể từ chính quyền Tổng thống Obama, khi ông Biden là phó tổng thống, chính quyền Mỹ luôn bày tỏ rằng họ tôn trọng sự độc lập của Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ và không muốn can thiệp vào việc thay đổi thể chế chính trị, điều mà các lãnh đạo Đảng luôn lo sợ.
Theo nhận định của ông Vũ Khang, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Khoa Chính trị học của Đại học Boston ở Massachusetts, việc Tổng thống Biden điện đàm với tổng bí thư Việt Nam, mà không phải là chủ tịch nước “là một bước đi khôn ngoan.”
“Bước đầu tiên để nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt là tôn trọng quyền lực của Đảng Cộng sản, và Đảng muốn các tổng thống kế nhiệm của Hoa Kỳ khẳng định nguyên tắc đó. Không có sự lựa chọn nào khác,” ông Khang viết trong đăng tải trên Twitter.
Việc ông Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Bắc Kinh sau Đại hội Đảng của Trung Quốc và trong những tháng gần đây tăng cường trấn áp tham nhũng khiến Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cùng hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam – những người được cho là thân phương Tây – phải từ chức đã làm dấy lên những đồn đoán rằng người đứng đầu Đảng của Việt Nam có thể đang thân thiết hơn với Trung Quốc.
Nhưng ông Hiebert cho biết các nguồn tin của ông ở Việt Nam nói rằng chuyến thăm của ông Trọng đã mang lại cho vị tổng bí thư của Việt Nam “quyền hạn” với Trung Quốc để cân bằng mối quan hệ với Mỹ.
“Việt Nam giờ đây cảm thấy thoải mái để có thể tiến lên với mối quan hệ toàn diện (với Mỹ),” ông Hiebert nói. “Không hẳn là Việt Nam sẽ tiến xa với Mỹ như với Trung Quốc, quốc gia mà Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong nhiều năm qua, và nhiều nước khác. Nhưng Việt Nam giờ đây thấy rằng họ có thể tiến xa hơn trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.”
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mức bang giao cao nhất của Việt Nam với các nước trên thế giới. Nga và Ấn Độ là hai nước cũng có mối quan hệ ở mức này với Việt Nam trong nhiều năm qua. Việt Nam hồi cuối năm ngoái đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ với Hàn Quốc lên mức cao nhất này.
Trong khi Mỹ là nơi nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á đạt kim ngạch trên 100 tỷ USD, quan hệ giữa hai nước vẫn ở mức thấp nhất, tức đối tác toàn diện.
Ông Hiebert cho rằng kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã nhanh chóng xây dựng được mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với nhau đồng thời Hà Nội “coi Washington như một hàng rào và vùng đệm để chống lại Bắc Kinh”. Nhưng với một đường biên giới dài với Trung Quốc cách Hà Nội chỉ khoảng 100km, Việt Nam phải thận trọng khi khi tăng cường quan hệ với Mỹ.
“Nhưng những gì tôi được biết (từ các nguồn tin) thì (Việt Nam) tự tin rằng (việc nâng cấp quan hệ với Mỹ) sẽ không gây ra các vấn đề lớn với quan hệ với Trung Quốc,” ông Hiebert nói. “Việt Nam khá khăng khít với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả vai trò của Đảng Cộng sản. Nhiều người nói những điều khác nhau, nhưng chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra trừ phi Mỹ tiếp đón người đứng đầu Đảng Cộng sản (Việt Nam) và ông ấy đến (Nhà Trắng).”
Một ngày trước khi cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Trọng diễn ra, theo Cổng TTĐT Chính phủ, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper gặp mặt Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thời gian qua, cũng như nhất trí rằng hai nước sẽ phối hợp chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc tiếp xúc cấp cao.
Với mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như hiện nay, nhất là kinh tế và an ninh, việc không có một chuyến thăm của một lãnh đạo Việt Nam nào đến Nhà Trắng kể từ khi ông Phúc được Tổng thống Donald Trump mời thăm Washington năm 2017 là không tương xứng, theo ông Hiebert.
Nhà nghiên cứu của CSIS cho rằng năm nay cũng sẽ là thời điểm lý tưởng cho một chuyến thăm như vậy khi Washington muốn nâng cấp quan hệ còn Hà Nội thì đã sẵn sàng tiến về phía trước với Mỹ. Ông Hiebert cũng nói rằng năm nay là năm tốt để ông Trọng thăm Washington trước khi cuộc bầu cử của Mỹ diễn ra vào năm sau và tiếp theo đó là Đại hội Đảng của Việt Nam vào năm 2026.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, khi được Reuters hỏi Việt Nam đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ trong năm nay hay chưa, nói rằng điều đó sẽ xảy ra “khi thời điểm thích hợp.”