Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam vào đêm 22/5 với chặng dừng chân đầu tiên là Hà Nội. Lúc này, nhiều người trong thành phố bày tỏ sự quan tâm lớn đến chuyến thăm cũng như hy vọng nhờ sự kiện này mà quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn nữa. An Tôn tường trình từ Hà Nội.
Ít ngày trước khi Tổng thống Obama đến Hà Nội, thông tin liên quan đến chuyến thăm xuất hiện càng thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, làm nhiều người trong thành phố càng tò mò, quan tâm. Đối với những người hay phải đi lại trên đường, họ quan tâm đến danh sách 25 tuyến phố sẽ bị cấm hoặc hạn chế xe cộ để phục vụ đoàn xe của tổng thống Mỹ. Đồng thời, tùy theo lứa tuổi và công việc, mối quan tâm của từng người đến các khía cạnh cụ thể của chuyến thăm cũng khác nhau.
Nam thanh niên tên Thảo, 27 tuổi, nói anh ấn tượng về thông tin có đến 1600 người đi theo để phục vụ chuyến thăm thứ ba của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Việt Nam. Ngoài ra, Thảo cho rằng chuyến thăm là kết quả của hơn hai thập niên hai nước bình thường hóa quan hệ. Anh nói:
“Đến thời điểm này thì hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ rồi thì tôi thấy cũng có nhiều cái mới, Mỹ đầu tư nhiều, hỗ trợ Việt Nam nhiều trong các lĩnh vực, như thế có nhiều khả năng là đất nước mình phát triển hơn”.
Còn Phạm Hương Giang, nữ sinh viên tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, ngôi trường được nhiều người gọi là Harvard của Việt Nam, lại quan tâm đến bài phát biểu mà Tổng thống Obama dự kiến sẽ đọc trước khoảng 2000 khách mời tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Giang nói:
“Tôi hy vọng là trong bài phát biểu của ông có thể nêu lên vấn đề dân chủ hơn, tự do hơn ở Việt Nam. Về vấn đề về môi trường cũng nên cần phải quan tâm. Đó là những vấn đề tôi nghĩ cần thiết để phát triển”.
Cũng tại Đại học Ngoại thương, nam sinh viên tên Đạt cho rằng Tổng thống Obama không đơn thuần chỉ thăm xã giao mà có những mục đích cụ thể. Đạt nêu nhận định:
“Xét về tình hình hiện nay thì chắc là sẽ có những biện pháp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, như là trong vấn đề Biển Đông hiện nay, chắc sẽ có vấn đề đó. Thứ hai là tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Hợp tác giữa hai bên có thể được củng cố thêm. Ngoài về chính trị còn có cả về kinh tế nữa”.
Từ góc nhìn của người đi trước một vài thế hệ so với những người thuộc lứa tuổi 20, ông Nguyễn Hồng Sơn, 74 tuổi, nhận xét về chuyến thăm sắp tới:
“Tôi nghĩ rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama rất có lợi cho quan hệ hai nước. Hiện nay trên thế giới cán cân lực lượng có nhiều thay đổi. Tôi nghĩ Mỹ mà quan hệ với Việt Nam rất chặt chẽ thì rất có lợi cho Việt Nam cũng như cho Mỹ, cân bằng cán cân lực lượng trên thế giới”.
Đối với những người trẻ tuổi trong số gần 70% dân số Việt Nam dưới 40 tuổi, tức là sinh ra sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, họ chú ý đến tương lai của mối quan hệ hai nước hơn là việc hai nước từng là kẻ thù của nhau. Ngay cả ông Sơn, thuộc thế hệ đã trải qua cuộc chiến mà Việt Nam gọi là “Chống Mỹ cứu nước”, cũng cho rằng xây đắp cho tương lai mới quan trọng.
Ông Sơn nói: “Quá khứ đã khép lại rồi. Nhân dân Việt Nam rất rộng lượng, quên đi quá khứ. Và bây giờ tất cả nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Mỹ là nghĩ đến tương lai và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, để cùng phát triển kinh tế, cùng ổn định chính trị. Mặc dù chế độ chính trị hai nước khác nhau nhưng cái đó không hề quan trọng. Mục đích là để giúp nhau phát triển kinh tế, thì đó là một cái rất tuyệt vời khi quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt”.
Với thái độ hồ hởi, ông Sơn cũng chia sẻ điều ông muốn thấy ở quan hệ Việt Nam-Mỹ trong tương lai: “Cầu mong quan hệ Việt-Mỹ ngày càng phát triển, ngày càng thắt chặt, để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế”.
Điều ông Sơn nói cũng là ý nghĩ của những người trẻ tuổi như Hương Giang và Đạt, các sinh viên của một trường đại học hàng đầu Việt Nam. Họ đều đặc biệt quan tâm đến khía cạnh kinh tế của mối quan hệ, điều thiết thực nhất đối với họ.
Hương Giang cho biết: “Đương nhiên là tôi nghĩ quan hệ hai nước ngày càng tiến triển, và trở nên thân thiết, đó là điều bình thường, để cho kinh tế hai nước ngày càng phát triển”.
Anh Đạt nói: “Khi hai bên có những hợp tác thắt chặt thì những cái rào cản sẽ được xóa bỏ, kinh tế sẽ phát triển. Khi cháu tham gia vào lực lượng kinh tế thì lương có thế cao hơn, nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam thì sẽ tạo cho cháu nhiều công ăn việc làm, lương cao”.
Trong khi những người dân bình thường hướng sự chú ý đến những khía cạnh trực tiếp và thiết thực, các chuyên gia và nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu hơn về chuyến thăm của ông Obama cũng như quan hệ Việt-Mỹ.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá chuyến thăm của ông Obama là một bước phát triển trong quan hệ hai nước trong bối cảnh Việt Nam vừa tăng cường hội nhập quốc tế vừa gặp những thách thức về an ninh, chủ quyền ở Biển Đông. Ông Doanh cho rằng hai nước có những thuận lợi khi tăng cường hơn nữa quan hệ vì Mỹ và Việt Nam không có mâu thuẫn về lợi ích chiến lược trong khi về mặt kinh tế hai nước không cạnh tranh với nhau mà lại bổ sung cho nhau.
Ông Doanh nói: “Hai nhà nước lại cũng chia sẻ những lợi ích chiến lược với nhau. Không có những mâu thuẫn lợi ích chiến lược nào quan trọng. Vậy cho nên là giữa hai nhà nước Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng sẽ xây dựng những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Tôi hy vọng là sẽ có những hợp đồng hợp tác được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama”.
Từ góc độ người nghiên cứu và cố vấn chính sách đối ngoại, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, đưa ra quan điểm thận trọng hơn về quan hệ hai nước.
Ông phân tích rằng trong quan hệ Việt-Mỹ có 4 khác biệt mà cũng là những khó khăn, thách thức. Thứ nhất, Mỹ là siêu cường toàn cầu nên Mỹ nhìn Việt Nam như một nhân tố trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, trong khi Việt Nam nhìn Mỹ chủ yếu từ góc độ song phương. Hai nước có những mối quan tâm chung ở khu vực Đông Nam Á, ở Biển Đông, song Việt Nam chưa phải là đối tác ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Khác biệt thứ hai, theo ông Thái, là về hợp tác Mỹ muốn đi nhanh vì có tiềm lực lớn trong khi Việt Nam muốn đi từ từ vì tiềm lực có hạn. Khác biệt thứ ba là Việt Nam muốn ưu tiên thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư vì có nhu cầu cấp bách để phát triển, thế nhưng Mỹ đã là nước phát triển nên chú trọng đến các lĩnh vực an ninh, quân sự và quốc phòng. Cuối cùng, khác biệt ở những vấn đề do chiến tranh và lịch sử để lại.
Ông Thái nói: “Nhìn lại 20 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ từ đối thủ, từ kẻ thù thành bạn bè, từ bạn bè thành đối tác, bước tiến rất quan trọng, rất dài. Nhưng bên cạnh đó lực cản không phải là ít. Nhưng tôi muốn chuyển đến một thông điệp thế này, chúng ta cần nhìn quan hệ Việt-Mỹ bằng con mắt thực tế. Phải thấy rằng hợp tác là có lợi, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập. Cái thứ hai rất quan trọng là phải xử lý quan hệ Việt-Mỹ bằng cái đầu lạnh. Nhìn vào thực tế mà nói, hợp tác là con đường duy nhất đúng đắn để mà thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ có lợi cho cả hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực”.
Liệu các nhà lãnh đạo, những người hoạch định chính sách của Việt Nam cũng có nhận thức về những điều quan trọng mà giới nghiên cứu, cố vấn nêu ra như trên hay không? Vị phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Ngoại gia Việt Nam cho rằng trong thời đại thông tin ngày nay, các lãnh đạo Việt Nam nhận thức được đầy đủ các vấn đề đó.
Ông Thái cho biết: “Nếu không có được những nhân tố như vậy, có lẽ quan hệ Việt-Mỹ đã không thể như ngày hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa, 41 năm rồi. Đã đến lúc phải đưa quan hệ song phương sang một trang mới. Cái tốt nhất là cùng nhau nhìn về tương lai. Đó chính là những gì lãnh đạo Việt Nam đang làm và đang suy nghĩ. Có thể tốc độ, cách làm khác nhau, nhưng rõ ràng những gì đang diễn ra trong quan hệ Việt-Mỹ đang đi đúng xu hướng như vậy”.
Chỉ còn hơn một ngày nữa, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama sẽ thực sự diễn ra. Những gì các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước sẽ thỏa thuận hoặc tuyên bố sẽ đặt ra lộ trình hoặc định hướng cho quan hệ hai nước trong nhiều năm tới. Lúc này, căn cứ vào những điều hai nước đã đạt được trong những năm qua, nhiều người dân và giới quan sát, phân tích trông đợi chuyến thăm sẽ đi đến những kết quả cụ thể, hữu ích chứ không chỉ dừng lại ở một cuộc thăm viếng xã giao.