Người dân từ các tỉnh có mặt ở Hà Nội hôm 21/10 để “kêu oan và đòi công lý” nhưng được cho là đã bị cơ quan chức năng “giải tán” khi kỳ họp thứ 8 của Quốc hội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.
Bà Phạm Hồng Thơm, một người tham gia nhóm biểu tình, chia sẻ với VOA sau khi nhóm của bà bị đưa lên xe quay về Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương tại quận Hà Đông của Hà Nội, cách nơi Quốc hội đang nhóm họp hơn 20 km:
“Đây là những người dân oan đòi quyền lợi. Buổi sáng ngày hôm nay có đến hàng mấy trăm người đến từ các vùng trên cả nước, chia thành các nhóm từ 5-7 người đến mấy chục người. Chúng tôi dự định đi đến số 22 Hùng Vương, Ba Đình, nơi mà Quốc hội khai mạc sáng hôm nay, nhưng họ chặn đường nên chúng tôi không đến đó được và họ bắt chúng tôi lên xe để quay về số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội”.
Bà Thơm cho biết thêm: “Người dân các tỉnh đều có mang theo băng rôn: Yêu cầu Chính phủ trả đất, trả nhà cho dân, Đề nghị các tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chống tham nhũng…”
Chúng tôi là những người dân oan đang ngủ vỉa hè, chính quyền sở tại đến lấy lý do họp Quốc hội, không cho chúng tôi che lều bạt.Ông Đoàn Thanh Giang
Ông Đoàn Thanh Giang, một người dân từ Đồng Nai ra Hà Nội “đòi công lý”, nói:
“Chúng tôi là những người dân oan đang ngủ vỉa hè, chính quyền sở tại đến lấy lý do họp Quốc hội, không cho chúng tôi che lều bạt, buộc ban ngày phải tháo xuống. Chúng tôi ra đây tố cáo quan tham cướp đất, cướp nhà, không còn con đường sống, ra Trung ương để yêu cầu giải quyết khiếu nại tố cáo, đòi đất, đòi nhà do quan tham địa phương cướp.”
Ông Nguyễn Đình Tu, một người dân Thanh Hóa cắm lều ở gần khu tiếp công dân, chia sẻ:
“Chính quyền ở đây dỡ bạt, phá lều không cho chúng tôi lưu trú. Chúng tôi khoảng 60 người lưu trú ở vỉa hè và có khoảng 200 người đang ở nhà trọ. Chúng tôi ra đây chờ Trung ương giải quyết trả tài sản cho chúng tôi.”
VOA chưa liên lạc được với Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương và chính quyền Hà Nội để hỏi về thông tin “giải tán” nhóm người biểu tình ngày 21/10.
Những người biểu tình cho VOA biết, họ không chỉ quan tâm đến việc đòi lại đất đai đã mất mà còn quan tâm đến các vấn đề như chống tham những, ô nhiễm môi trường, và chủ quyền biển đảo.
Truyền thông Việt Nam loan tin, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 14 khai mạc sáng hôm 21/10, và các đại biểu sẽ làm việc trong gần một tháng để xem xét tình hình kinh tế - xã hội và thông qua 12 luật.
Phát biểu tại phiên khai mạc được Đài truyền hình VTV truyền trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng kỳ họp thứ 8 diễn ra trong bối cảnh “tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp.”
Bà Ngân khẳng định “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia,” theo trang Quốc hội.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có chia sẻ ý kiến về tình hình Biển Đông.
Ông Phúc khẳng định rằng Việt Nam “không nhân nhượng” về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Theo VGP News, cổng thông tin chính phủ, ông Phúc nói: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.”
Nhận định về phát biểu của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ về tình hình Biển Đông, bà Phạm Hồng Thơm, nói:
“Vấn đề chủ quyền biển đảo được tất cả người dân quan tâm sâu sắc. Từ trước đến nay chúng tôi không hài lòng vì các lãnh đạo chưa nói nhiều về vấn đề chủ quyền biển đảo. Hôm nay Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội nói như vậy thì chúng tôi rất đồng tình. Chúng tôi mong muốn các lãnh đạo tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Your browser doesn’t support HTML5
Tuy nhiên, bà Nguyễn Kim Chi, một người dân quê ở Tiền Giang, nói rằng phát biểu của lãnh đạo về Biển Đông như vậy “chưa đủ,” mà phải hành động mạnh hơn bằng cách đưa vụ việc tranh chấp ra tòa quốc tế, lúc đó mới có thể ý chí “không nhân nhượng” của Việt Nam.
“Theo quan điểm của tôi và của rất nhiều người xung quanh đây thì chúng tôi không tin những lời phát biểu của Quốc hội và Chính phủ. Họ cứ nói “bảo vệ,” nhưng vấn đề Biển Đông không phải mới đây mà đã có từ mấy năm nay. Gần đây Trung Quốc đã xâm nhập vào Bãi Tư Chính, họ lấn chiếm và không cho chúng ta khai thác dầu mỏ. [Việt Nam] chỉ nói thôi! Người dân chúng tôi lúc nào cũng muốn kiện [Trung Quốc] ra Tòa án Quốc tế để họ can thiệp”.
Không nhân nhượng thì phải thực thi điều gì đó chứ! Phải làm cái gì đi! Chứ nói không nhân nhượng mà cứ ở đó trì hoãn hoài thì Trung Quốc đã xâm lược càng lúc càng gần rồi.Bà Nguyễn Kim Chi
Bà Chi nói thêm: “Không nhân nhượng thì phải thực thi điều gì đó chứ! Phải làm cái gì đi! Chứ nói không nhân nhượng mà cứ ở đó trì hoãn hoài thì Trung Quốc đã xâm lược càng lúc càng gần rồi.”
Trước đó, tại một buổi tiếp xúc cử tri của Hà Nội hôm 15/10, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có thái độ dứt khoát “không nhân nhượng” trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đồng thời sẽ giải quyết căng thẳng trên Biển Đông một cách “khôn khéo.”
Hôm 7/10 tại Hội nghị Trung ương 11, ông Trọng “đề nghị Trung ương phân tích” về tình hình Biển Đông trong bối cảnh các tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau quanh khu vực Bãi Tư Chính.