Tổng thống Đài Loan đã làm nên lịch sử qua việc chấm dứt nhiều thập niên quan hệ băng giá với Trung Quốc và việc ký kết một loạt hiệp định kinh tế với Bắc Kinh.
Nhưng nhiều người Đài Loan nói rằng chưa thấy lợi ích của thỏa thuận với Trung Quốc thấm xuống người dân thường và có thể còn đe dọa đến đảo quốc vẫn tự trị một cách kiêu hãnh này.
Vào lúc Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan khởi sự năm cuối cùng của nhiệm kỳ, người Đài Loan đang cân nhắc lợi hại của chính sách nhiều tham vọng của ông là giao tiếp với Trung Quốc để củng cố kinh tế trong nước.
Đài Loan và Trung Quốc đã nằm dưới các chính thể riêng rẽ kể từ sau cuộc nội chiến Trung Quốc vào thập niên 1940, nhưng Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền đối với hòn đảo này. Sauk hi lên nhậm chức vào năm 2008, Tổng thống Mã Anh Cửu đã dẹp qua một bên những bất đồng chính trị để hợp tác với Bắc Kinh về thương mại, du lịch và các thỏa thuận đầu tư.
Nay phần lớn công chúng Đài Loan đang xét lại 21 thỏa thuận đó vào lúc các vấn đề kinh tế vẫn dai dẳng. Ông Hoàng Khuê Bác, phó giáo sư về ngoại giao tại trường Đại học Chính trị Quốc gia ở Đài Bắc, nói rằng công chúng muốn có thêm đối thoại với Trung Quốc nhưng đã không chấp nhận những rủi ro.
Ông Hoàng nói đa số ý kiến chính mạch vẫn hy vọng vào các cuộc thương nghị đang tiếp diễn xuyên qua eo biển Đài Loan. Điều đó có nghĩa là cho dù ai lên làm tổng thống nay mai, thì người đó vẫn phải để ngỏ kênh đối thoại. Nhưng ông Hoàng nói thêm rằng dân chúng Đài Loan hy vọng tổng thống sẽ bảo vệ các quyền lợi của cũng như nền an ninh của Đài Loan, bảo vệ quyền tự trị của Đài Loan. Ông nói hai mục tiêu này có thể khó đạt được cùng một lúc.
Khi ra vận động tranh cử tổng thống vào năm 2008, ông Mã Anh Cửu đã cam kết đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 6 phần trăm, và thu nhập bình quân hơn 30 ngàn đôla một năm. Các thỏa thuận đạt được với Trung Quốc kể từ khi ông lên nhậm chức đã đẩy kim ngạch mậu dịch song phương lên các mức cao kỷ lục và đưa sang Đài Loan mỗi năm 2,8 triệu du khách từ lục địa Trung Quốc, so với con số nhỏ giọt trước đó.
Ông Mã cho hay năm ngoái, các hiệp định cũng đã tạo dựng tổng cộng 9 ngàn 600 công ăn việc làm. Các tổng thống trước đây của Đài Loan đã xung đột với Trung Quốc, khiến cho phần lớn các cuộc đối thoại không thể thực hiện được.
Nhưng các số liệu của chính phủ cho thấy các cam kết ban đầu đã không thành hiện thực. Tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 3,74 phần trăm trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp là gần 4 phần trăm. Thu nhập bình quân đầu người trung bình vào khoảng một nửa mục tiêu đã cam kết. Người dân thường Đài Loan than phiền về đồng lương thấp và giá địa ốc cao.
'Ảo tưởng'
Ông Hoàng Tuấn Vinh, một người đứng đầu nhóm hoạt động gồm 30 thành viên tên là Công vụ Thanh niên Đài Loan, nói những lợi ích của các thỏa thuận với Trung Quốc chỉ là ảo tưởng. Các đoàn thể thanh niên đã lãnh đạo hàng ngàn cuộc biểu tình ở Đài Bắc hồi tháng 3 và tháng 4 năm ngoái bởi vì họ không thấy được mấy lợi ích kinh tế, mà lo ngại rằng giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc sẽ lợi dụng các thỏa thuận đó để thúc đẩy Đài Loan tiến tới thống nhất chính trị. Các cuộc biểu tình đã ngăn Quốc Hội phê chuẩn một thỏa thuận tự do hóa dịch vụ thương mại với Bắc Kinh.
Ông Hoàng Tuấn Vinh nói các chính sách đang theo đuổi hiên nay hoàn toàn có lợi cho các công ty lớn, nhưng không có cơ hội cho các công ty chia sẻ lợi nhuận với nhân viên. Vì thể ông gọi hình thức dựa vào quan hệ xuyên eo biển để hỗ trợ cho nền kinh tế Đài Loan là một khái niệm rất ngu xuẩn.
Người Đài Loan cũng phàn nàn về con số du khách từ lục địa Trung Quốc tăng vọt. Tại một bãi biển ở thành phố Cao Hùng miền nam, một số người địa phương hồi tháng trước đã đặt một khẩu đại bác giả để phản đối sự ùn tắc giao thông do những chiếc xe buýt chuyên chở các nhóm du khác Trung Quốc và rải rưởi bỏ lại. Những người bán hàng than phiến rằng du khách mặc cả quá gắt gao với những món hàng chẳng đáng giá gì.
Các giới chức Đài Loan nói cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 7 năm đã gây trở ngại cho tổng thống trong việc thực hiện các cam kết kinh tế. Họ lập luận rằng bang giao với Trung Quốc đã hỗ trợ cho nền kinh tế nửa ngàn tỷ đôla của Đài Loan. Ông Lâm Tổ Gia, thứ trưởng cơ quan lập pháp phụ trách các vần đề Hoa Lục, nói rằng 71 phần trăm người Đài Loan muốn duy trì liên lạc chính thức với Trung Quốc với mục đích đạt thêm các thỏa thuận kinh tế.
Ông nói: “Cho dù ta có muốn Đài Loan được độc lập, thì điều đó cũng có nghĩa là ta muốn có sự tiếp xúc chính thức với nhau. Cả hai bên nên chấp nhận nhau như các chính quyền chính thức. Tôi nghĩ vấn đề chính không phải là từ phía Trung Quốc, mà là vì cơn sóng thần tài chính vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009.”
Quốc Dân Đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu phải đối mặt với các cuộc bầu cử gay go vào tháng giêng năm tới một phần vì những quan niệm đối nghịch nhau về việc giao tiếp với Trung Quốc. Ứng viên chính của phe đối lập, bà Thái Anh Văn, cho biết bà muốn tiếp tục nói chuyện với các nhà lãnh đạoTrung Quốc, nhưng không đồng ý với điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh là hai bên thương thuyết với tư cách là thành phần của một quốc gia duy nhất. Người chấp nhận điều kiện của Bắc Kinh, ông Mã Anh Cửu, nói rằng đối thoại kinh tế với Trung Quốc sẽ tiếp tục cho đến khi ông rời chức vì hạn chế nhiệm kỳ vào năm tới.
Your browser doesn’t support HTML5