Người biểu tình Thái thách thức bất chấp tình trạng khẩn trương

Thủ lãnh biểu tình Suthep Thangsuban cùng với đoàn người biểu tình tại quận tài chính ở Bangkok, 21/1/2014. REUTERS/Damir Sagolj

Người biểu tình Thái Lan chống chính phủ ở Bangkok vẫn tỏ ra thách thức vào ngày đầu ban hành lệnh khẩn trương tại thủ đô. Các chuyên gia nói vẫn còn những quan ngại về bạo động và bất trắc trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày 2 tháng Hai.

Thủ lãnh biểu tình Suthep Thangsuban dẫn đầu một đoàn công voa người biểu tình chống chính phủ ở trung tâm Bangkok bất chấp lệnh khẩn cấp do chính phủ ban hành, bắt đầu có hiệu lực hôm thứ Tư.

Là một nhà cựu lập pháp đối lập, ông Suthep đã dẫn đầu các cuộc biểu tình từ tháng 11, kêu gọi thủ tướng từ chức. Ông nói nhiều tuần lễ tụ tập sẽ tiếp tục bất chấp lệnh khẩn.

Người biểu tình đã chuyển qua phong toả các con đường chính ở Bangkok từ hơn một tuần lễ để làm áp lực chính phủ phải hoãn các cuộc tổng tuyển cử, và thay vì thế, tiến hành các cải cách trước cuộc bầu cử mới.

Bí thư thường trực tại Bộ Ngoại giao Thái, ông Sihasak Phuoangketkew, nói với các cơ quan truyền thông hôm thứ Tư rằng những nỗi quan ngại về bạo động trước bầu cử là lý do chính khiến phải ban hành tình trạng khẩn cấp.

Ông nói: “Ngay trước khi xảy ra và có sự lo ngại có thể xảy ra thêm các biến cố, vì thế tôi nghĩ đây có lẽ là một biện pháp mang tính cách đề phòng để cảnh sát, nhân viên an ninh có thể ở trong vị thế sẵn sàng hơn nhằm ứng phó với bất cứ tình huống nào có thể phải đối đầu trong tương lai, đặc biệt là khi đang tiến tới cuộc bầu cử sắp tới."

Sắc lệnh này, do cảnh sát giám sát thi hành với sự hỗ trợ của quân đội Thái Lan, chỉ áp dụng trong phạm vi Bangkok và các tỉnh lân cận lên đến 60 ngày và trao cho chính quyền quyền hạn rộng lớn.

Nhưng ông Kraisak Choonhavan, một thành viên của phe đối lập Đảng Dân chủ tẩy chay cuộc bỏ phiếu vào tháng tới, nói rằng sắc lệnh khiến người biểu tình giận dữ.

"Nó chỉ làm cơn giận dữ bùng lên thêm thôi và tôi nghĩ người biểu tình sẽ không còn kiềm chế nữa. Tôi nghĩ họ [chính phủ] đã đi quá xa với việc đóng rất nhiều ngả đường. Nhưng dù vậy đây là cuộc biểu tình khá ôn hòa."

Nhưng mối lo ngại về bạo lực vẫn còn rõ nét trước cuộc bỏ phiếu ngày 2 tháng Hai. Giới chức nói kể từ khi những cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, ít nhất chín người đã thiệt mạng và 554 người bị thương. Trong hai vụ tấn công bằng lựu đạn gần đây, một người biểu tình thiệt mạng và hơn 60 người bị thương.

Hôm thứ Tư, một nhà lãnh đạo chủ chốt của Phong trào Áo Đỏ ủng hộ chính phủ bị bắn ở thành phố Udon Thani, cứ địa phía bắc của chính phủ. Ông thoát chết và được đưa đến bệnh viện.

Các nhà phân tích nói cả hai phe dường như không hề nao núng, còn Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn kiên định trước những lời kêu gọi từ chức.

Những người biểu tình nói họ đang tìm cách chấm dứt ảnh hưởng chính trị của người anh trai bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, người đã trốn khỏi Thái Lan vào năm 2008 để tránh án tù vì tội tham nhũng. Chính phủ đã cố gắng nhưng thất bại trong việc thông qua một dự luật ân xá chính trị rộng lớn mà sẽ dẫn tới việc ông Thaksin trở về nước với tư cách một người tự do.

Chính phủ nói cuộc bầu cử ngày 2 tháng Hai là cách để kết thúc cuộc khủng hoảng. Nhưng Ủy ban bầu cử đã nhiều lần kêu gọi hoãn lại để tránh đổ máu và thất bại.

Tuần này, ủy ban đang tìm kiếm khuyến dụ từ Tòa Bảo Hiến về tính pháp lý của việc tổ chức một cuộc bầu cử mới nếu cuộc bầu cử ngày 2 tháng Hai thất bại.