Ngụm Trà Kinh Điển

  • Trần Tú
Ăn cơm chiều xong, tôi pha bình trà “Kinh Điển” (1). Không biết ai là người đặt tên trà hay thế, chỉ nghe hai chữ Kinh Điển đã thấy như uống được cả một dòng thời gian xa xôi hàng thế kỷ từ trong ấm trà rót ra. Mang bình trà ra hiên trước, ngồi ở cái băng đặt sát tường, vừa chậm chậm uống từng ngụm trà vừa nhìn sang bên kia hồ, buổi chiều đang xuống đến chân những ngôi nhà nằm sát mặt nước. Nắng quái buổi chiều rực lóe một đường viền trong suốt trải dài chiều dọc từ phía trái sang đến ngã ba hồ bên phải, lấp lánh như ánh sáng của chùm đèn pha lê. Cái nắng buổi chiều trước khi sắp tắt sao mà đẹp thế. Chắc tại sắp tắt nên nó cố khoe hết vẻ đẹp một lần cuối.

Tôi chậm chậm uống từng ngụm trà, như uống thời gian cổ xưa, như uống không gian hiện tại hòa tan vào trong mỗi giọt trà.

Mấy hôm nay đọc báo, biết Neil Armstrong vừa trở lại mặt trăng ở tuổi 82. Lần này chàng ở lại luôn, chàng không quay về trái đất như lần đầu tiên, cách đây hơn bốn mươi năm về trước, khi chàng mới 39 tuổi. Chàng là người đầu tiên đặt chân lên hành tinh, chàng đã hãnh diện khắc ngang hành tinh với câu nói bất hủ:

“That’s one small step for a man, one giant leap for mankind.” (2)

-Đó là bước nhỏ của một con người, nhưng là một bước nhẩy vọt vĩ đại cho nhân loại.

Chàng cắm lá cờ của nước Mỹ trên mặt trăng trong xúc động và hãnh diện tột cùng. Chàng được cả thế giới coi là anh hùng của thế kỷ.

Thế sao mặt trăng lúc đó vẫn không giữ được chân chàng nhỉ? Có lẽ chàng vẫn thấy trần gian là nơi hấp dẫn hơn. Đặt chân lên mặt trăng, bước la đà trên khoảng không gian xa lạ trong bộ quần áo phi hành, nhìn ngang, ngó dọc chẳng thấy một bóng người, chẳng nghe thấy tiếng chim hót líu lo, tiếng ngựa xe di chuyển. Cái hành tinh im lặng đó chẳng quyến rũ được người đàn ông mới đi hết nửa đời người. Chàng bay trở về trần gian, đặt lại bàn chân lên mặt đất với tất cả những hệ lụy của nó.

Tôi uống một ngụm trà nữa, nắng bên kia hồ bắt đầu nhạt dần, ánh nắng yếu hẳn đi, đường viền sát hồ như nhòe ra. Khó mà nghĩ được chỉ cách đây năm mười phút mà phong cảnh biến hóa khôn lường như thế. Như là một bờ bãi khác, một cồn sông nước khác.

Tôi nghĩ đến bộ quần áo của phi hành gia, một bộ quần áo may bằng trí óc thông minh của bao nhiêu người chập lại. Một chiếc nón an toàn trên đầu, một chiếc áo liền quần với những phần trên ngực, lưng, hai cánh tay và hai ống chân áo được may thật dầy để che chở những va chạm có thể xẩy ra. Bộ quần áo chịu đựng được cái lạnh dưới 250 độ âm (minus 250 F) và sức nóng 250 độ dương. Nó che trở thân thể phi hành gia không bị tổn thương bởi các quanq xạ trong không gian, bởi những hạt bụi li ti trên mặt trăng chuyển động nhanh hơn cả những viên đạn bắn ra, chắn cả những tia sáng quá chói chang lọt vào mắt. Ngoài ra, nó còn cung cấp dưỡng khí để thở, cung cấp nước để uống. Chưa hết, chiếc áo lót bên trong, bó sát vào người cũng được cài vào những ống nhỏ có chứa khí và nước, dung dịch này luân lưu khắp phần ngoài cơ thể để giữ cho phi hành gia mát mẻ trong khi di chuyển lơ lửng ngoài không gian. Trang bị kỹ càng như thế mà sao lần đó chàng vẫn không muốn ở lại. Sao chàng không bắt chước tổ phụ, làm người khai phá dinh điền (không, khai phá mặt trăng chứ), lập nhà, xây chợ, xưng vương, làm nên một giang san mới.

Tôi uống thêm một ngụm trà, nắng bên kia hồ bắt đầu tan vào trong nước, một vài đốm lửa nhỏ nhoi đã được thắp lên, hắt ra từ những ngôi nhà trong những lùm cây thấp.

Tôi tưởng tượng Neil đang trở lại nơi chàng đã đến và bỏ đi. Lần này chàng thấy gì, và điều gì đã làm chàng quyết định không trở lại trần gian nữa. Cái hành tinh chàng tới hôm nay có phải là hành tinh mấy mươi năm về trước chàng đã tới? Chàng có phân biệt được cái nào là bản chính, cái nào là bản sao. Nếu nơi trước đây chàng không thấy người, không thấy chim, không thấy bướm, không thấy ngựa xe, thì bây giờ chàng có thấy không? Tại sao lần trước chàng trở về nhưng lần này chàng ở lại.

Tôi uống thêm một ngụm trà nữa, nước trà đã bắt đầu nguội nhưng hương trà vẫn ngấm, thơm ngát trong mỗi chân răng. Ngẫm nghĩ, chắc lần này Neil đã tìm thấy một hành tinh có tất cả những điều chàng yêu thích và chàng quyết định ở lại. Hành tinh này chàng bay đến mà không cần bọc mình trong lớp áo ngày trước, lớp áo may bằng trí thông minh của bao nhiêu con người. Chàng chỉ mặc một bộ quần áo may bằng vải thường như tất cả mọi người khác mặc, khi đi đến một chỗ trang nghiêm hay hội hè nào. Bộ quần áo chàng mặc không chống đỡ gì được cho thân thể chàng, và chàng cũng không nhất thiết cần chống đỡ gì nữa.

Tôi ngẫm nghĩ đến cái phi thuyền chàng bước lên trước hàng triệu triệu cặp mắt của thế giới và cái áo quan chàng bước vào chỉ có người thân trong gia đình và một số bạn hữu. Một cái phóng lên không gian cao vút và một cái đặt xuống lòng huyệt thấp. Cả hai cùng đưa chàng vào một hành tinh.

And when you have reached the mountain top, then you shall begin to climb.

And when the earth shall claim your limbs, then shall you truly dance. (On Death- Kahlil Gibran)

Khi anh với được chóp núi, đấy là lúc anh sẽ bắt đầu trèo
Khi mặt đất làm chủ tứ chi anh, là anh thực sự sẽ nhẩy múa

Và cái hành tinh chàng đến hôm nay, chắc chắn chàng không phải là người thế gian đầu tiên được tới đó.Thế liệu chàng có gặp ai không?

Tôi đứng lên, buổi chiều thật sự đã ra đi nhường cho đêm đến. Tôi không nhìn thấy gì bên kia hồ nữa, ngoài mấy đốm lửa nhỏ nhoi. Bình trà Kinh Điển còn lại một ngụm cuối cùng. Tôi rót xuống bên kia thành bao lơn, như rót mời xuống mặt hồ. Một hành tinh huyễn hoặc của tôi.

Không gian của phút giây này, không gian của ngàn năm trước có gì khác nhau không và tôi đang đứng ở hành tinh nào?

Trần Mộng Tú
8/2012

(1) Trà Kinh Điển: Tên trên hộp trà-Một loại trà O Long.
(2) Theo các nhà nghiên cứu thì câu nói này đúng nhất là: "That's one small step for A man, one giant leap for mankind." với chữ “a” trước chữ “man” (“một người” chứ không phải “con người”). Câu nói này đã được chuẩn bị trước với sự góp ý của vợ của Armstrong. Có lúc, Armstrong thừa nhận rằng có lẽ ông đã bỏ sót mất chữ “a”. Nhưng mới đây, các nhà chuyên môn, khi phân tích kỹ băng thu âm lời nói của Armstrong, cho rằng có lẽ có chữ “a” trong câu nói nhưng quá khó nghe.