Ngư dân Việt được Trung Quốc thả về đến nhà

Ngư dân Việt Nam

13 ngư dân Việt bị Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa trở về đất liền an toàn chiều ngày 16/7 sau khi bị tước đoạt tàu bè, tài sản, và ngư cụ đánh bắt.

Tàu cá QB 93256 TS cùng 7 ngư dân Quảng Bình bị Trung Quốc bắt hôm 23/6 và tàu cá QNg 94912 TS với 6 ngư dân Quảng Ngãi bị câu lưu từ ngày 3/7 khi đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa.

Truyền thông trong nước dẫn lời các ngư dân cho biết trong thời gian bị cầm giữ, họ bị giám sát nghiêm ngặt trên tàu, không được ra ngoài, và bị buộc phải chỉ sai tọa độ đánh bắt.

Báo nhà nước nói ngoài tàu cá Quảng Bình và 13 ngư dân được trả về nước, tàu cá Quảng Ngãi cùng tất cả tài sản, ngư cụ, và nhiều tấn hải sản đánh bắt của cả hai tàu đều bị tịch thu vì lý do ‘xâm phạm hải phận’ Trung Quốc.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ tối 18/7, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng, cho biết các ngư dân không bị phía Trung Quốc bạc đãi, đánh đập, hay đòi tiền chuộc như những lần bắt giữ trước.

Ông Phan Huy Hoàng: Về rồi, chúng tôi đã tiếp xúc, đón tiếp họ, tặng quà hỗ trợ và thăm hỏi. Bình thường ấy mà. Nói chung họ về khỏe mạnh. Ở Quảng Ngãi đây thì đó là chuyện thường xuyên, bình thường, chứ có vấn đề gì đâu.

VOA: Khi tiếp xúc với họ, Hội ghi nhận những thiệt hại của họ ra sao?

Ông Phan Huy Hoàng: Bị Trung Quốc tịch thu cái tàu luôn. Nó giữ toàn bộ tàu, sản phẩm đánh bắt, trang thiết bị đồ đạc, nó tịch thu hết thảy. Về phía Hội, chúng tôi sẽ vận động các tổ chức, cá nhân để quyên góp ủng hộ người ta. Ví dụ như Qũy Hỗ trợ Ngư dân và Hội nghề cá chúng tôi huy động các doanh nghiệp. Còn nhà nước cũng có một phần chính sách nhất định để hỗ trợ cho người ta. Hỗ trợ thôi chứ không thể nào mà bù đắp hết thiệt hại cho họ được. Tàu cá và các thứ gần 1 tỷ bạc mà.

VOA: Thiệt hại tổng cộng có thể ước tính lên tới bao nhiêu, thưa ông?

Ông Phan Huy Hoàng: Ngư dân nói tàu đó trị giá trên 700 triệu. Ngoài ra, còn giá trị cá mà họ bắt được bị chúng nó lấy luôn đó khoảng mấy chục triệu nữa.

VOA: Sức khỏe và tinh thần các ngư dân về bờ như thế nào?

Ông Phan Huy Hoàng: Sức khỏe thì bình thường thôi, họ đều là các ngư dân trẻ không, nói chung bình thường.

VOA: Có báo cáo nào về việc bị tra tấn, hành hung không?

Ông Phan Huy Hoàng: Không, không có. Nói chung họ đối xử tốt, không có vấn đề gì hết, ăn uống đầy đủ. Nói chung bình thường, tốt.

VOA: Không có vấn đề bạc đãi, đánh đập, hay đòi tiền chuộc như những lần bắt giữ trước?

Ông Phan Huy Hoàng: Không, không có. Trước đây có trường hợp bị đánh đập, nhưng hiện tại thì không có.

VOA: Hội ghi nhận nguyên nhân vụ phóng thích lần này thế nào?

Ông Phan Huy Hoàng: Tôi cũng không rõ, cái đó về mặt ngoại giao hai nước họ làm, bọn tôi chỉ quan tâm đến quyền lợi của ngư dân. Báo chí nói Trung Quốc thấy là bắt vô cớ thì thả thôi, chứ vùng đó có nhiều tàu thuyền đánh bắt ở đó kể cả tàu Trung Quốc lẫn tàu Việt Nam. Chuyện bắt này là chuyện bình thường thôi mà, mấy năm nay mình bị mãi rồi, nhiều lần rồi. Hai năm đổ về trước, Trung Quốc thường bắt đòi tiền chuộc, nhưng mấy năm gần đây thì không đòi tiền chuộc nữa.

VOA: Sắp tới Hội có phương án nào để bảo vệ ngư dân được tốt hơn, thưa ông?

Ông Phan Huy Hoàng: Cái này nói thì nó cũng là vấn đề vĩ mô quá. Hội nghề cá của tỉnh cũng chỉ tập trung quan tâm đến ngư dân của mình thôi, chứ Hội nghề cá chúng tôi không có một cái quyền lực gì.

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi, Phan Huy Hoàng

Cùng lúc phóng thích 13 ngư dân Việt, Trung Quốc cũng cho rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực Hà Nội nói thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Hoa Kỳ hôm qua hoan nghênh động thái này và nhấn mạnh lại vụ giàn khoan nêu bật sự cần thiết rằng các bên phải minh định những tuyên bố chủ quyền của mình theo luật quốc tế và hành xử đúng mực để tránh leo thang căng thẳng.

Ngay sau khi Bắc Kinh rút giàn khoan, Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc không đưa bất cứ giàn khoan nào vào hoạt động ở bất kỳ khu vực nào thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hiêp quốc về Luật Biển 1982.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 16/7 một lần nữa kêu gọi Trung Quốc ‘tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.’

Người phát ngôn Lê Hải Bình nói ‘Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế’ và ‘kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế.’

Bắc Kinh khẳng định việc rút giàn khoan là do hoàn tất công tác thăm dò ‘suông sẻ’ và rằng quyết định này không hề liên quan tới các ‘yếu tố bên ngoài.’

Phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/7 cũng nói thêm rằng Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích hàng hải của mình.