Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới lên tiếng “ca ngợi” Việt Nam vì tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với sự tham gia của các quan chức ngoại giao hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác, trong đó có Mỹ.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, trong cuộc họp với các quan chức ngoại giao của 10 nước Đông Nam Á, ông Pompeo “đã ca ngợi Việt Nam, Chủ tịch [luân phiên] của ASEAN, vì đã triệu tập các ngoại trưởng ASEAN trong thời kỳ chưa có tiền lệ này”.
Trong những ngày qua, tin cho hay, Việt Nam đã chủ trì một loạt các cuộc họp trực tuyến giữa các nước ASEAN cũng như với đối tác như Mỹ.
Bà Ortagus hôm 9/9 cũng cho biết thêm rằng Ngoại trưởng Pompeo cũng “ca ngợi các nước ASEAN đã có phản ứng minh bạch đối với đại dịch COVID-19”.
“Các quốc gia ASEAN cám ơn Hoa Kỳ vì hơn 87 triệu đôla hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp để chống COVID-19”, phát ngôn viên Ortagus nói.
“Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ phối hợp với khu vực trong quá trình hồi phục kinh tế bằng cách sử dụng mọi công cụ hiện có, trong đó có sự hỗ trợ của lĩnh vực tư nhân của Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng Sáu ra tuyên bố nói rằng “Mỹ đã và vẫn tiếp tục là thủ lĩnh không thể chối cãi trong viện trợ nước ngoài toàn cầu, và sự lãnh đạo [của Mỹ] trong việc đối phó với dịch COVID-19 tiếp tục kỷ lục về sự hào phóng đó”. Theo tuyên bố này, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 9,5 triệu đôla để ứng phó virus xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
XEM THÊM: Mỹ cấp 5 triệu đôla, lập học viện lãnh đạo trẻ ở Việt NamThêm nữa, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ cũng cho biết đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo các “thám tử dịch bệnh”, tức các cán bộ dịch tễ học, để ứng phó với virus Corona.
Ngoài COVID-19, Ngoại trưởng Pompeo “đã thảo luận các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế”, trong đó “các chính sách gây hấn và gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông, hạ nguồn sông Mekong và Hong Kong.
“Ngoại trưởng và các bộ trưởng ASEAN cùng chia sẻ quan điểm chung rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết hòa bình và theo luật quốc tế, mà chủ yếu là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, bà Ortagus cho biết.
Trước khi tham dự cuộc họp với ASEAN, Ngoại trưởng Pompeo lên tiếng chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc “gia tăng việc bắt nạt các nước láng giềng” mà ông nói là “thể hiện rõ ở Biển Đông”.
Ông Pompeo nhắc tới việc Hoa Kỳ “áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế visa các cá nhân và thực thể Trung Quốc chịu trách nhiệm cho chủ nghĩa đế quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đó”, bao gồm “các hoạt động trong vùng [đặc quyền] kinh tế của đồng minh Philippines và các nước khác”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng cáo buộc Mỹ “cố tình khuấy động tranh cãi về chủ quyền lãnh hải” cũng như “phá hoại hòa bình và ổn định”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cũng đã chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông trong chuyến thăm Nhà Trắng năm 2015.
Trong đoạn video dài một phút đăng trên Twitter, ông Pompeo đề cập tới vai trò Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập cũng như “cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông” mà nhà lãnh đạo này đưa ra năm 2015 tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng.
“Ông ấy đã quân sự hóa Biển Đông”, Ngoại trưởng Mỹ nói trong đoạn clip đăng hôm 16/7.
Ngoài thất hứa về việc không quân sự hóa Biển Đông, ông Pompeo cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không giữ cam kết về “một quốc gia hai chế độ” liên quan tới Hong Kong cũng như Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.