Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào chiều thứ Hai 21/9 bày tỏ rằng ông hoan nghênh việc ba cường quốc chủ chốt ở châu Âu bác bỏ các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trên một tài khoản Twitter của chính phủ Mỹ và mang tên ông, Ngoại trưởng Pompeo viết: “Chúng tôi hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ tại Liên Hiệp Quốc các yêu sách hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc quốc tế. Chúng tôi đứng cùng với các đồng minh trong việc bác bỏ lối suy nghĩ cho rằng ‘có sức mạnh thì có lẽ phải’".
Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi 3 cường quốc châu Âu gửi một công hàm chung tới Liên Hiệp Quốc hôm 16/9, trong đó nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Công hàm chung của Anh, Đức và Pháp nhấn mạnh rằng quan điểm của họ cũng đã được khẳng định trong phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye, trong đó tuyên rằng Philippines thắng kiện và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc.
Ba nước châu Âu lưu ý đến tầm quan trọng của các quyền tự do không bị cản trở trên biển khơi, nhất là tự do hàng hải và tự do bay bên trên vùng biển, cũng như quyền được qua lại vô hại, được quy định trong UNCLOS, bao hàm cả Biển Đông.
Vẫn công hàm của Anh, Đức và Pháp khẳng định quan điểm rằng mọi tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần phải được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc, quy định, quy trình và biện pháp được đề ra trong UNCLOS.
Cho đến thời điểm bản tin này được đăng, Việt Nam chưa đưa ra phản ứng nào về cả công hàm của 3 nước châu Âu lẫn ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trên Twitter.
Trung Quốc lâu nay tuyên bố chủ quyền về hầu hết diện tích Biển Đông, nói rằng họ “có quyền theo lịch sử”, và thường đưa ra cái gọi là “đường 9 đoạn” trên bản đồ Biển Đông, mà nhiều người Việt Nam xem là “đường lưỡi bò” xâm phạm vào chủ quyền biển của Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc và Việt Nam là hai bên tranh chấp chính, Biển Đông với những tuyến đường thủy trọng yếu đi qua còn có những bên tranh chấp khác là Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Như VOA đã đưa tin, hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Việt Nam hôm 9/9 cùng nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á.
Tại sự kiện trực tuyến do Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh chủ trì, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhắc lại rằng “Hoa Kỳ, cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, coi tuyên bố [chủ quyền] lãnh hải rộng khắp của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp”.
Trong khi đó, ông Phạm Bình Minh đề nghị các bên “đề cao thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình” ở Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói rằng Hoa Kỳ “trực tiếp can thiệp vào tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] vì các mục đích chính trị riêng”, đồng thời cho rằng Mỹ là “động lực lớn nhất cho quân sự hóa ở khu vực”.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc “gia tăng việc bắt nạt các nước láng giềng” mà ông nói là “thể hiện rõ ở Biển Đông”.