Ngoại trưởng Đức thăm Trung Quốc, khắc phục 'thiệt hại' do TT Pháp Macron gây ra

Ngoại trưởng Đức Baerbock là người có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc.

Ngoại trưởng Đức bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hôm thứ Năm 13/4 nhằm tái khẳng định chính sách chung của Liên hiệp châu Âu đối với Bắc Kinh vài ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có những phát biểu dường như cho thấy không có sự thống nhất trong cách tiếp cận của châu Âu với Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy.

Ông Macron đã gây ra phản ứng bất bình ở Hoa Kỳ và châu Âu khi ông kêu gọi Liên hiệp Châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và cảnh báo chớ bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng về Đài Loan vì "nhịp điệu của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc".

Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà phân tích châu Âu coi những bình luận của ông Macron trong một cuộc phỏng vấn với Politico và nhật báo Pháp Les Echos như một món quà tặng cho việc Bắc Kinh nhắm mục tiêu phá vỡ sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.

Vì thế, giới phân tích cho rằng tính quyết định của chuyến đi lần đầu đến Trung Quốc của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tăng lên, với nhiều thành viên EU hy vọng Berlin sẽ sử dụng cơ hội này để vạch ra một đường lối rõ ràng và thống nhất của EU đối với Trung Quốc.

Ông Macron bị nhiều người coi là có quan điểm yếu đuối về Đài Loan khi cảnh báo châu Âu chớ có "bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta" - mặc dù phủ tổng thống Pháp khẳng định đó không phải là ý ông muốn nói, và lập trường của ông về Đài Loan lẫn Trung Quốc không hề thay đổi.

Alicja Bachulska, nhà nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-EU thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở Warsaw, nói với Reuters: "Trên một bình diện rộng, giờ đây là việc kiểm soát thiệt hại... Nhưng bóng đen của chuyến thăm của Macron rất lớn và vẫn chưa rõ cán cân rốt cuộc sẽ ngả về bên nào".

Bà Baerbock là người cứng rắn với Trung Quốc hơn Thủ tướng Olaf Scholz và đang soạn thảo chính sách về Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Bắc Kinh.

Nghị sĩ chuyên về chính sách đối ngoại Đức Nils Schmid nói với Reuters rằng bà Baerbock hiện phải nêu rõ quan điểm của Đức về Đài Loan trong chuyến thăm của bà, đồng thời nói thêm rằng những phát biểu của ông Macron đã phá hoại điều mà nhiều người kỳ vọng là châu Âu có cùng động lực xây dựng một chính sách chung về Trung Quốc.

Ngoại trưởng Đức dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Tần Cương và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là Vương Nghị trong chuyến đi kéo dài hai ngày.

Phát biểu trước chuyến thăm, bà Baerbock cho biết ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của bà sẽ là nhắc nhở Trung Quốc về trách nhiệm gây ảnh hưởng đến Nga để chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine và nhấn mạnh niềm tin chung của châu Âu rằng việc đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan là không thể chấp nhận được.

Bà nói thêm rằng quan điểm của châu Âu coi Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống chính là kim chỉ nam trong chính sách của khối.

"Tôi thấy rõ ràng là chúng ta không có lợi khi tách ra về mặt kinh tế... nhưng chúng ta phải xem xét một cách có hệ thống hơn về những rủi ro của sự phụ thuộc vào một bên và giảm thiểu các rủi ro đó", bà Baerbock nói.

(Reuters)