Nghiên cứu mới giúp hiểu thêm về khả năng gây tử vong của Ebola

Kay Maddux

Hai nghiên cứu đáng chú ý về Ebola công bố trong tuần này làm sáng tỏ lý do tại sao nhiều người tử vong còn một số người khác vượt qua được căn bệnh chết người này.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 106 bệnh nhân mắc bệnh Ebola tại Bệnh viện Chính phủ Kenema ở Sierra Leone từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 18 tháng 7. Dữ liệu của một số các bệnh nhân bị thiêu hủy do lo sợ gây ô nhiễm. Nhưng nhóm nghiên cứu đã có thể phân tích kỹ lưỡng dữ liệu từ 44 bệnh nhân Ebola tại bệnh viện.

"Đây là lần đầu tiên có được nhiều dữ liệu như vậy thu thập từ bất kỳ bệnh nhân Ebola nào," bác sĩ John Schieffelin, một trong những tác giả của nghiên cứu, nói với hãng tin Reuters.

Nghiên cứu, được đăng trên Chuyên san Y học New England, cho thấy tuổi tác và số lượng virus trong máu của bệnh nhân dường như là những yếu tố quyết định tỉ lệ tử vong của bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng 57 phần trăm những người dưới 21 tuổi được điều trị Ebola chết vì nhiễm trùng so với 94 phần trăm những người trên 45 tuổi.

Về lượng virus, các nhà khoa học báo cáo rằng tỉ lệ tử vong là 33 phần trăm ở bệnh nhân có ít virus (ít hơn 100.000 bản sao virus mỗi ml máu) tại thời điểm chẩn đoán, so với tỉ lệ 94 phần trăm ở những người có máu chứa hơn hơn 10 triệu bản sao virus mỗi ml.

Nhìn chung, 74 phần trăm bệnh nhân trong nghiên cứu này tử vong, tương tự như những gì mà các nhà khoa học nhìn thấy ở những đợt bùng phát dịch bệnh trước đó.

Ảnh hưởng di truyền

Trong nghiên cứu thứ hai, đăng trên chuyên san Science, các nhà khoa học tại Đại học Washington ở thành phố Seattle nhận thấy rằng chuột thí nghiệm, giống như con người, có một loạt những phản ứng đối với virus Ebola.

Nhóm nghiên cứu có thể tạo ra những con chuột bị nhiễm trùng giống như ở con người. Trong những con chuột bị nhiễm Ebola, các nhà nghiên cứu quan sát một loạt những kết quả, từ bệnh nhẹ cho đến xuất huyết và tử vong.

Các nhà khoa học xác định được hai gene - TEK và TIE1 - ở chuột có vẻ như đóng vai trò quan trọng trong việc tiên đoán con chuột nào sẽ chết và con nào sẽ mắc bệnh hay là không. Ở những con chuột bị chảy máu, hai gene làm mạch máu của chúng yếu hơn và bị rò rỉ, kích hoạt một chuỗi những phản ứng khiến các cơ quan ngừng hoạt động.

Những kết quả này có thể giải thích tại sao khoảng hai phần ba những người chết vì Ebola không bị xuất huyết nghiêm trọng - một phát hiện mà bác sĩ James Musser mô tả là một "tiến bộ đáng kể," theo trích dẫn của báo New York Times. Bác sĩ James Musser là giám đốc phụ trách nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Methodist Houston.

Nghiên cứu của nhóm bắt đầu từ ba năm trước, lấy cảm hứng từ công tác nghiên cứu của mình về lịch sử của virus cúm, rất lâu trước khi xảy ra dịch bệnh hiện nay ở ba nước Tây Phi.