Sáng ngày 7 tháng 1 vừa rồi, hai tên khủng bố Hồi giáo xông vào toà soạn tờ báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris, bắn chết 12 người, trong đó có 10 nhà báo và hoạ sĩ chuyên vẽ biếm hoạ, kể cả Tổng biên tập kiêm họa sĩ Stéphane Charbonnier (thường ký dưới bút danh Charb). Những ngày sau đó, hai tên khủng bố còn bắn chết thêm 5 người nữa, nâng tổng số nạn nhân lên 17 người, trước khi chúng bị cảnh sát Pháp triệt hạ.
Cuộc thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo làm chấn động dư luận cả thế giới. Dân chúng, ở Pháp cũng như nhiều nơi khác, đổ xô xuống đường biểu tình nhằm bày tỏ sự chia sẻ với những bất hạnh mà tờ Charlie Hebdo đã gánh chịu đồng thời cũng lên tiếng chống đối những hành động giết người tàn bạo của các tên khủng bố. Riêng tại Pháp, cuộc biểu tình vào ngày Chủ nhật 11/1 quy tụ gần bốn triệu người, được xem là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Pháp. Tham gia cuộc biểu tình, ngoài Tổng thống Pháp Francois Hollande, còn có khoảng 40 nhà lãnh đạo khác, như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Tổng thống Rumania Klaus Iohannis, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopac, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, v.v... Tất cả đều mang biểu ngữ “Tôi là Charlie”.
Có thể nói chưa bao giờ có một cuộc tuần hành nào chống lại khủng bố một cách rầm rộ và ấn tượng như vậy. Hầu như mọi người đều nhất trí với nhau, một cách hết sức tự phát, trong việc gửi đến bọn khủng bố một thông điệp: Họ không hề sợ hãi.
Quy mô của các cuộc biểu tình cũng như phản ứng của các chính khách và dân chúng trước cuộc thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo rất đáng ngạc nhiên. Chỉ tính từ cuộc khủng bố nhắm vào nước Mỹ trong ngày 11 tháng 9 năm 2001 đến nay, trên khắp thế giới đã có cả hàng trăm cuộc khủng bố như thế. Có những cuộc khủng bố làm chết rất nhiều người như vụ đặt bom tại Bali vào ngày 12/10/2002 làm 202 người thiệt mạng (trong đó có 88 người Úc) hay vụ đặt bom trên xe lửa tại Madris, Tây Ban Nha vào ngày 11/3/2004 làm 191 người chết hay các vụ đánh bom cảm tử trên các tuyến xe lửa tại London vào ngày 7/7/2005 giết chết 53 người, v.v… Không có cuộc khủng bố nào làm động lòng người và dẫn đến các cuộc xuống đường rầm rộ như cuộc thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo. Tại sao?
Lý do đầu tiên là tính chất cụ thể của các nạn nhân. Trước, các cuộc khủng bố ở các tuyến xe lửa hay nhà thờ, đều nhắm vào đám đông. Mà đám đông, dù đông đến mấy, vẫn chỉ là một khối vô danh; và vì vô danh nên cũng thành vô hình. Cuộc thảm sát tại toà báo Charlie Hebdo thì khác. Tất cả các nạn nhân đều có tên tuổi, hơn nữa, lại là những tên tuổi khá quen thuộc với quần chúng; và vì sự quen thuộc ấy, các nạn nhân không chỉ hiện hữu như những con số trong thống kê mà họ trở thành cụ thể. Chính tính chất cụ thể ấy làm cho nhiều người dễ xúc động.
Lý do thứ hai là hầu hết các nạn nhân đều là các ký giả và hoạ sĩ. Tất cả đều yếu đuối không có thứ vũ khí nào khác ngoài cây bút và cây cọ. Tấn công vào họ, do đó, là tấn công vào những người không có gì để tự vệ; hơn nữa, còn là tấn công vào quyền tự do ngôn luận của con người nói chung.
Thứ ba, tấn công vào quyền tự do ngôn luận cũng đồng nghĩa với việc tấn công vào nền tảng của dân chủ. Dân chủ có nhiều đặc điểm và bao gồm nhiều khía cạnh nhưng điểm nòng cốt, được xem là yếu tính của dân chủ, nằm ở quyền tự do ngôn luận, ở đó, mọi người không những có quyền được biết và được nói mà còn được quyền phê phán, đả kích và châm biếm mọi sinh hoạt trong đời sống xã hội và chính trị.
Thứ tư, vì văn minh Tây phương dựa trên dân chủ; tấn công vào dân chủ, do đó, cũng có nghĩa là tấn công vào Tây phương. Hơn nữa, vì dân chủ là nơi bảo đảm và phát huy quyền làm người, tấn công vào dân chủ cũng đồng nghĩa với việc tấn công vào quyền làm người, nghĩa là tấn công vào mọi người, vào nhân loại nói chung.
Chính vì bốn lý do kể trên, hầu như mọi người, từ dân chúng đến các nhà lãnh đạo trên thế giới đều xem cuộc thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo là rất nghiêm trọng, do đó, họ cần lên tiếng bằng cách xuống đường biểu tình với biểu ngữ “Tôi là Charlie” với ý nghĩa là: Tôi khao khát tự do, dân chủ và coi trọng nhân quyền. Tôi có thể là nạn nhân của các thế lực cuồng tín và cực đoan, nhưng tôi không sợ hãi bất cứ sự đe doạ nào.
Điều đáng chú ý là không phải chỉ có người Tây phương hay các chính khách Tây phương mới nhận ra tầm nghiêm trọng của cuộc khủng bố này. Trong cuộc tuần hành ở Paris vào ngày 11 tháng 1, ngoài giới lãnh đạo Tây phương còn nhiều vị lãnh đạo khác đến từ khắp nơi trên thế giới, kể cả châu Phi và châu Á. Họ không nhất thiết đồng ý với những sự châm biếm trên tờ báo Charlie Hebdo, nhưng họ đồng ý với nhau ở một điểm: Những sự bất đồng chỉ nên được giải quyết bằng đối thoại hoặc, thậm chí, bằng luật pháp chứ không phải bằng biện pháp khủng bố.
Nói đến bất đồng, chúng ta cần lưu ý là Charlie Hebdo không chỉ nhắm đến Hồi giáo. Từ trước đến nay, họ châm biếm hầu như đủ mọi quyền lực, từ các chính khách tại Pháp đến các nơi khác trên thế giới, từ Hồi giáo đến Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Họ không chừa bất cứ thứ gì cả. Nhưng trong các đối tượng bị chế giễu, chỉ có những người theo đạo Hồi là có phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt và tàn bạo hơn cả: Trước, họ từng ném bom xăng vào đốt rụi toà soạn; bây giờ, họ bắn gục từ Tổng biên tập đến các nhân viên trong tờ báo.
Ở đây, chúng ta lại đối diện với một vấn đề khác: Liệu những sự châm biếm của Charlie Hebdo khi nhắm vào các tôn giáo, trong đó, có Hồi giáo, có đúng không? Hay nói cách khác: Cái gọi là quyền tự do ngôn luận có cần phải bị giới hạn? Và nếu có, giới hạn ấy là gì?
Về phương diện lý thuyết, ở đâu người ta cũng cho giới hạn của quyền tự do ngôn luận nằm ở chỗ không xúc phạm và sỉ nhục người khác. Tuy nhiên, nội dung của cái gọi là xúc phạm và sỉ nhục ấy thay đổi tùy theo từng nước và từng nền văn hóa khác nhau. Hầu như chỉ có một điểm mọi người thống nhất: đó là không châm biếm những gì gắn liền với số phận, điều vượt ra ngoài sự lựa chọn của con người, ví dụ: sắc tộc, phái tính và những khuyết điểm trên hình thể con người. Người ta có thể chê bai hay cười cợt cách ăn mặc hay trang điểm của một kẻ nào đó nhưng không được đùa giỡn trên màu da hay những khuyết tật trên cơ thể của người khác. Chính vì vậy, ở các quốc gia Tây phương, bên cạnh luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bao giờ cũng có luật nghiêm cấm các lời nói hay hành động có tính chất kỳ thị về sắc tộc cũng như về phái tính.
Trong cái gọi là những lựa chọn của con người, có ba khía cạnh chính: hành động, nhận thức và niềm tin. Ở Pháp, vốn có truyền thống dân chủ lâu đời, người ta quan niệm cả ba đều có thể trở thành đối tượng để phê phán hay châm biếm bởi cả ba đều thuộc về con người. Ở nhiều quốc gia khác, người ta chỉ giới hạn quyền tự do phê phán hay chế giễu trong hai khía cạnh đầu, hành động và nhận thức, còn khía cạnh thứ ba, vốn gắn liền với tôn giáo, thì lại bị cấm. Trong cái gọi là hành động hay nhận thức, cũng có những giới hạn của nó: đó phải là hành động hoặc nhận thức của một tập thể hoặc của những người được xem là nhân vật thuộc công chúng (public figure).
Chính vì những khác biệt ấy, sau khi tờ Charlie Hebdo bị khủng bố, để bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ, giới báo chí kêu gọi mọi tờ báo trên thế giới cùng đăng lại các bức tranh châm biếm của Charlie Hebdo trên báo mình, tuy nhiên, chỉ có một số đáp ứng lời kêu gọi ấy. Sự khác biệt này, trước hết, có tính chất cá nhân. Ví dụ, ở Mỹ, CBS và The New York Post đăng, nhưng tờ The New York Times và hệ thống ABC, CNN và The Associated Press thì không. Ở Anh, The Times of London, BBC, Guardian và Independent đăng nhưng The Daily Telegraph thì không. Sự khác biệt còn mang ý nghĩa quốc gia, ví dụ, tại Úc, hầu như toàn bộ các cơ quan truyền thông đều không đăng lại các bức hình gây tranh cãi của Charlie Hebdo vì bị ràng buộc bởi luật cấm xúc phạm đến tôn giáo hay niềm tin của người khác. Chính bởi sự khác biệt này, một số nhà báo nổi tiếng của Úc mới tuyên bố “Chúng ta không phải là Charlie”.
Vâng, trên thế giới, có rất nhiều người không phải và không thể là Charlie.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.