Nghị sĩ Mỹ trình hai dự luật 'đối đầu hành động hung hăng' của Trung Quốc

Thông cáo của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Mitt Romney giới thiệu Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngày 25/09/2019. Photo Romney Senate.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vừa trình hai dự luật nhằm đối đầu sự bành trướng về sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, cũng như cho phép chính phủ Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để đảm bảo an ninh khu vực trước hành động hung hăng của Bắc Kinh.

Hôm 25/9, Thượng Nghị sĩ Mitt Romney và các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã giới thiệu dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (The Indo-Pacific Cooperation Act of 2019), theo đó cho phép Hoa Kỳ hợp tác với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cả châu Âu để cùng đưa ra một giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trao đổi với VOA Tiếng Việt qua email hôm 26/9, Văn phòng của Thượng Nghị sĩ Mitt Romney trích lời ông cho biết trong một thông cáo: “Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một chiến lược toàn diện để đối đầu với hành động hung hăng của Trung Quốc khi họ đang mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự”.

Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một chiến lược toàn diện để đối đầu với hành động hung hăng của Trung Quốc khi họ đang mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự.
Thượng Nghị sĩ Mitt Romney


“Để làm tốt nhất điều đó, chúng ta phải liên kết sức mạnh quân sự với các quốc gia khác và phát triển cách tiếp cận thống nhất với các đồng minh để giải quyết mối đe dọa đáng kể của Trung Quốc đối với nền tự do của chúng ta và trên khắp thế giới”, Thượng Nghị sĩ Romney nói thêm.

Trong một thông cáo hôm 25/9, nữ Thượng Nghị sĩ Cortez Masto, đồng bảo trợ Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói: “Các liên minh và các đối tác mạnh mẽ trên khắp thế giới của Hoa Kỳ là một nguồn sức mạnh hợp nhất. Dự luật này sẽ đảm bảo cho chúng ta phối hợp hiệu quả hơn với các quốc gia khác để có cách tiếp cận thống nhất, toàn diện đối với Trung Quốc…”

Quốc hội Hoa Kỳ cập nhật tiến độ của Dự luật Southeast Asia Strategy Act. Photo Congress

Trước đó, vào chiều 24/9, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật Chiến lược Đông Nam Á (Southeast Asia Strategy Act) nhằm tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Ngày hôm sau, 25/9, dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.

Nữ Dân biểu Ann Wagner, người giới thiệu Dự luật Chiến lược Đông Nam Á, cho biết trong một thông cáo hôm 18/9: “Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa bao giờ đưa ra một chiến lược toàn diện cho khu vực Đông Nam Á. Dự luật Chiến lược Đông Nam Á sẽ thực hiện điều đó bằng cách thiết lập một chiến lược khu vực sâu sắc, rành mạch, nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh của mối quan hệ quan trọng của chúng ta với Đông Nam Á và ASEAN”.

Quốc hội đang làm việc với Chính phủ để thông báo với đối tác của chúng ta rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ họ khi họ mở rộng thương mại và phát triển, bảo đảm an ninh biên giới, tăng cường nhân quyền và bảo vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Dân biểu Ann Wagner.


“Quốc hội đang làm việc với Chính phủ để thông báo với đối tác của chúng ta rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ họ khi họ mở rộng thương mại và phát triển, bảo đảm an ninh biên giới, tăng cường nhân quyền và bảo vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc”, bà Wagner cho biết.

XEM THÊM: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ gặp Phó Thủ tướng Việt Nam, khẳng định lợi ích ở Biển Đông


Thông cáo cho biết Dự luật Chiến lược Đông Nam Á sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, có tham vấn với Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cùng thiết lập và truyền đạt một chiến lược toàn diện để tăng cường mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á và khối ASEAN, mà trong đó Việt Nam là một thành viên.

Ba trọng tâm của Dự luật Chiến lược Đông Nam Á bao gồm thứ nhất là xác định các lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ trong khu vực và nỗ lực thúc đẩy ASEAN trở thành một nhà lãnh đạo khu vực; thứ hai, lập danh sách các sáng kiến đang diễn ra và có kế hoạch nhằm tăng cường các mối quan hệ của Hoa Kỳ trong khu vực thông qua thương mại, đầu tư, năng lượng và ngoại giao về chính trị và kinh tế; và thứ ba, đánh giá những nỗ lực liên tục để các quốc gia trong khu vực tăng cường các hoạt động vì nhân quyền và dân chủ.