Nghị quyết hạ viện Mỹ kêu gọi TQ cải thiện nhân quyền ở Tây Tạng

Người Tây Tạng nhảy múa mừng sinh nhật lần thứ 80 của nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Đức Đạt Lai Lạt Ma, ở Kathmandu, Nepal, 6/7/2015. (AP Photo/Niranjan Shrestha)

Yang Chen

Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư đã thông qua một nghị quyết lưỡng đảng kêu gọi Trung Quốc cải thiện nhân quyền ở Tây Tạng.

Các nghị quyết không có tính cách ràng buộc kêu gọi đối thoại thực chất, mà không cần điều kiện tiên quyết, để giải quyết những khiếu nại của người Tây Tạng và bảo đảm một thỏa thuận được thương lượng cho người Tây Tạng.
Các thành viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đến Hạ viện để ca ngợi Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, về những đóng góp của ông cho thế giới và chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của ông.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Nancy Pelosi nói: “Đối với hàng triệu tín đồ và người hâm mộ, ông là nguồn trí tuệ và từ bi.” Bà nói thêm rằng: “Đối với những người trẻ tuổi, sự thánh thiện của ông là một tấm gương tốt đẹp của việc làm thế nào biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.”

Bà nói vấn đề Tây Tạng là một thử nghiệm về lương tâm của Hoa Kỳ và thế giới. Bà nói: “Nếu những người yêu chuộng tự do không lên tiếng phản đối sự đàn áp ở Tây Tạng, thì rồi chúng ta đã mất hết thẩm quyền tinh thần để lên tiếng nhân danh nhân quyền ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.”

Các vị lãnh đạo khác của Quốc hội cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng văn hóa và tôn giáo Tây Tạng, phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.

Dân biểu Đảng Cộng hòa Dana Rohrabacher nói đây là thời điểm để Hoa Kỳ đứng lên cho những người đang tranh đấu cho tự do và dân chủ.

Ông Rohrabacher nói, “Biết rằng đó là những điều làm cho chúng ta an toàn; không nơi nào khác rõ ràng hơn là Tây Tạng. Người dân Tây Tạng không phải là những người Trung Quốc được những người Cộng sản Trung Quốc cho đoàn tụ lại với quê hương Trung Quốc, đó là một nền văn hóa riêng biệt trong nhiều thế kỷ.”

Nghị quyết cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thiết lập một văn phòng ở Lhasa, Tây Tạng, để theo dõi các diễn biến chính trị, kinh tế và văn hóa ở Tây Tạng và để cung cấp các dịch vụ công dân và bảo vệ lãnh sự.

Nghị quyết kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ nêu lên những quan ngại về nhân quyền Tây Tạng và tự do chính trị và tôn giáo tại các cuộc đối thoại Sách lược và Kinh tế Mỹ - Trung và trong các cuộc họp song phương cấp cao khác.

Hơn 130 người Tây Tạng đã tự thiêu trong các khu vực Tây Tạng ở Trung Quốc kể từ năm 2009 như là một phần của cuộc biểu tình tuyệt vọng chống lại sự cai trị của Trung Quốc và các chính sách đàn áp ở Tây Tạng. Trung Quốc nói các vụ biểu tình tự sát là hành động khủng bố.

Cuộc hội đàm gần nhất giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Trung Quốc là vào năm 2010. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông lạc quan về việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình, người lên nắm quyền vào năm 2012, có thể tái tục lại các cuộc đàm phán.