Từ Paris sang thành phố Boston của Hoa Kỳ sinh sống, nghệ sĩ Aurelie Galois, người Pháp, bắt đầu cuộc sống mới, và cùng lúc khởi sự cuộc hành trình để khám phá đất nước và con người tại nơi sinh cư mới theo cách nhìn độc đáo của một hoạ sĩ: cứ mỗi thứ Sáu trong suốt một năm trời, bà tìm một người lạ để trò chuyện, và ghi nhanh hình ảnh của họ để về nhà hoàn tất bức ảnh chân dung của người bạn mới. Những bức ảnh chân dung này, đi kèm với những thông tin chọn lọc từ cuộc đối thoại với đối tượng về quá khứ cũng như cuộc sống hiện tại và những ước mơ của họ. Trong quá trình khám phá lý thú ấy, người nghệ sĩ nói bà đã phá đổ nhiều thành kiến của chính mình về nước Mỹ và con người Mỹ.
Hơn 50 bức ảnh chân dung đi kèm với những hàng chữ viết tay của nghệ sĩ về đối tượng trong tranh, đã được mang ra trưng bày tại cuộc triển lãm “Friday Faces- Những khuôn mặt ngày thứ Sáu” tại Trung tâm Văn hoá Pháp ở thành phố Boston mới đây.
Hoạ sĩ vẽ tranh, bà Aurelie Galois cho biết: “Khi sang Mỹ sinh sống, tôi cứ ngỡ mình đã biết kha khá về nền văn hoá Mỹ, nhưng thực ra, tôi không biết gì nhiều mà chỉ biết về những người Mỹ nổi tiếng.”
Bà Galois nói sau một thời gian tìm hiểu nền văn hoá Mỹ và nâng tầm hiểu biết của mình bằng cách quan sát sinh hoạt của cư dân địa phương và qua các cuộc gặp gỡ và đối thoại., bà nhận thức được rằng nước Mỹ là một nơi chốn thật kỳ thú, Theo bà Galois, những trải nghiệm đó đã giúp bà phá đổ một số thành kiến của chính mình về người Mỹ, vì mỗi người bà được gặp đều không phù hợp với hình ảnh người Mỹ trong tâm trí của bà trước khi tới sinh sống ở thành phố Boston.
Your browser doesn’t support HTML5
Hoạ sĩ Galois, 38 tuổi, khởi sự dự án vẽ chân dung những người lạ tình cờ gặp vào mỗi ngày thứ Sáu từ tháng 5 năm 2014, thoạt đầu như một thí nghiệm, sau khi đến cư ngụ ở bang Massachusetts cùng với các con và người bạn đời, là một nhà khoa học làm việc cho Đại học Harvard.
Không lâu sau khi tới Boston, bà thường xuyên lui tới một quán cà phê, tại đây bà bất chợt nhận ra rằng những khách hàng của quán cà phê này, thoạt đầu là những người hoàn toàn lạ, có thể là một phương tiện giúp bà khám phá ra đất nước và con người Mỹ.
Dự án vẽ chân dung những người lạ mặt tình cờ gặp trong quán cà phê đã khởi sự một cách không có chủ đích. Hoạ sĩ trước hết tự giới thiệu mình, xin phép dùng điện thoại cầm tay ghi lại hình ảnh của họ để tham khảo, rồi bắt đầu cuộc đối thoại với họ đôi khi kéo dài tới 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, người nghệ sĩ lắng nghe những người lạ tâm sự và ghi chép những chi tiết cần thiết. Những câu hỏi do bà Galois đặt ra đôi khi trực tiếp đi sâu vào đời tư của người đối diện. Mặc dù vậy bà Galois nói bà rất kinh ngạc khi không có người nào từ chối trả lời những câu hỏi của bà, dù có tính cách riêng tư tới như vậy.
Bà Galois: “Thật là đáng kinh ngạc, Họ nói với tôi những điều mà họ chưa từng nói với bất cứ ai khác. Nhiều lần làm tôi nổi cả da gà!”
Trở về phòng vẽ của mình ở gần công viên Fenway, bà Galois phác hoạ thật nhanh chân dung của đối tượng mới làm quen. Mỗi bức chân dung đều đi kèm với một trang giấy viết tay ghi lại những nhận xét của nghệ sĩ về đối tượng của mình.
“Tôi yêu những khuôn mặt. Không có gì làm tôi thích thú cho bằng những chi tiết trên một gương mặt. Tôi bị ám ảnh bởi những chi tiết\ như cặp môi nó có cong như thế này, mí mắt kia nó sập xuống như thế kia. Tôi muốn bức chân dung của mình nói lên được nội tâm, những ước mơ và có lẽ cả lẽ sống của đối tượng, nếu có thể. Chẳng hạn như khi nhắm mắt lại, chúng ta hình dung ra một người. Đó chính là khuôn mặt mà tôi muốn phác hoạ.”
Nghệ sĩ người Pháp nói sau khi hoàn tất 10 tấm chân dung, bà nhận thức ra rằng những bức tranh ấy có thể được kết hợp để thành một bộ tranh để mang ra trưng bày trong một cuộc triển lãm, bởi vì dù không có chủ đích từ đầu, vô tình bà đã ghi nhận hình ảnh của đủ mọi thành phần xã hội, thể hiện tính đa dạng trong xã hội Mỹ, với những khác biệt về tuổi tác, giới tính, nguồn gốc sắc tộc, và liệu đối tượng là người đồng giới hay khác giới.
Các đối tượng cũng thuộc mọi thành phần xã hội, từ ông hàng thịt kosher gốc Nam Phi Luois Bolnick, nữ bác sĩ chuyên khoa ung thư Karen Winkfield, cho tới văn thi sĩ nổi tiếng Joyce Carol Oates.
Những người đến xem triển lãm “Những khuôn mặt ngày thứ Sáu” nói họ cảm thấy xúc động về tính nhân văn thể hiện qua 52 tấm chân dung đi kèm với những dòng chữ viết tay của nghệ sĩ, nhận xét về đối tượng trong tranh vẽ.
Cô Kathleen Hosrtmeyer từ bang Connecticut, nhận xét: “Đối với tôi, những bức chân dung ấy vô cùng lôi cuốn. Tôi chưa từng được xem một cuộc triển lãm nào như thế này. Tôi nghĩ nghệ sĩ phải tự tin lắm mới mời được những người xa lạ trò chuyện, tâm sự với mình.”
Nghệ sĩ Galois nói bà khám phá ra những nét chung và chính những điểm tương đồng này là sợi chỉ vô hình gắn kết các bức chân dung của từng đối tượng lại với nhau, như một xâu chuỗi. Những điểm chung ấy, theo bà, là lòng yêu nước và tính lạc quan của người Mỹ, là sự biết ơn của người Mỹ đối với những người di dân đã đến lập nghiệp và xây dựng đất nước này, và một chi tiết khiến bà ngạc nhiên, là có rất nhiều người Mỹ xâm mình.
Ông Jason McCool, 41 tuổi, một nghiên cứu sinh ngành nhạc học, là một trong những đối tượng của nghệ sĩ Galois. Ông nói:
“Thật là lý thú khi một nghệ sĩ nghĩ ra và thực hiện tới nơi tới chốn một dự án độc đáo đến như vậy. Người nghệ sĩ không cần xin phép ai trước khi làm nghệ thuật. Hoạ sĩ Galois đã thuyết phục được những người lạ ngồi xuống để thực sự đối thoại với bà. Đó là điều đáng nể!”
Trong khi bà Galois đang cân nhắc liệu có nên mang những bức chân dung trong bộ ảnh này đi triển lãm tại những nơi khác hay không, bà cùng lúc cũng đang suy nghĩ về việc có nên thực hiện các dự án tiếp theo hay không, lần này tập trung vào một thành phần xã hội nhất định, chẳng hạn như giới trẻ, hay phụ nữ, với những bức chân dung khổ lớn hơn, đi kèm với những băng video thâu hình.
Bà giải thích về những tác phẩm của mình: “Mỗi bức chân dung đều khác biệt. Đằng sau mỗi bức là một câu chuyện. Khi ngắm nghía những đứa con tinh thần của mình, tôi nhớ lai những câu chuyện mà từng người đã chia sẻ với cá nhân tôi, và cảm thấy vô cùng vinh dự được họ tin tưởng, để ban tặng cho tôi, một người xa lạ, món quà vô giá này.”