Thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài, thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo, năm 2014 cho biết hiện có gần 110.000 du học sinh Việt Nam đang theo học ở các nước. Đây được xem là nguồn tài nguyên quý giá đóng góp vào tương lai của Việt Nam nếu được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, những thay đổi về tư duy đang được xem là một trong những yếu tố đã khiến cho khá nhiều du học sinh không quay trở về nước sau khi tốt nghiệp. Những thay đổi tư duy ấy có thể nhìn thấy qua những cảm nhận của họ về sự kiện 30/4 trong bài tường trình của Khánh An.
Trong mắt du học sinh, những người có cơ hội so sánh và cảm nhận cuộc sống ở cả bên trong lẫn bên ngoài đất nước, những giằng co, lựa chọn để thích ứng với những thay đổi về tư duy, nhận thức của chính bản thân khi sống ở xứ người có lẽ còn lớn hơn những biến cố lịch sử của đất nước. Sự kiện 30/4 đối với họ là những cảm nhận hoàn toàn khác nhau khi còn ở trong nước so với khi ra nước ngoài.
Chỉ là ngày nghỉ trong nước
Em không quan tâm lắm vì nó không ảnh hưởng gì đến hiện tại của em bên này. Còn bên Việt Nam thì cũng giống như là ngày người ta đi nghỉ Tết vậy thôi.Phượng, một du học sinh ở Mỹ, nói:
Nếu trước kia, 30/4 là dịp để người ta treo cờ đỏ sao vàng cùng với các băng-rôn, khẩu hiệu trên khắp các hang cùng ngõ hẻm trong nước, các đài phát thanh, truyền hình và báo chí ra rả các chương trình, bài viết ca ngợi chiến công của Đảng cùng với các phát biểu mang tính “bất di bất dịch” mà chẳng mấy người quan tâm thì nay màu sắc của ngày 30/4 đã khác. Nổi bật nhất trên phương tiện truyền thông đại chúng vẫn là các chương trình quảng cáo các tour du lịch trong và ngoài nước, kế đó là các chương trình vui chơi, giải trí dành cho mọi lứa tuổi, rồi đến các “khuyến mãi đặc biệt” của các siêu thị, nhà hàng... Có thể nói, màu sắc của ngày 30/4 đã thực sự “biến chất” so với “mô hình truyền thống” của nó.
Trong mắt nhiều bạn trẻ, ngày 30/4 đơn thuần là một “ngày nghỉ” hơn là một ngày mang tính lịch sử hay có ý nghĩa chính trị. Phượng, một du học sinh Mỹ, nói:
“Em không quan tâm lắm vì nó không ảnh hưởng gì đến hiện tại của em bên này. Còn bên kia (Việt Nam) thì cũng giống như là ngày người ta đi nghỉ Tết vậy thôi”.
Những háo hức, chờ đợi đến dịp 30/4 để được đi du lịch, vui chơi như khi còn ở trong nước nay không còn nữa. Thay vào đó, du học sinh tập trung vào công việc hiện tại của mình ở xứ người và hưởng thụ những ưu thế của một đất nước phát triển mà họ đang lưu trú.
Không quan tâm
Đó là phản ứng của khá nhiều du học sinh Việt Nam đang theo học tại các nước khi được hỏi về sự kiện 30/4. Một du học sinh muốn giấu tên đang theo học tại Phần Lan nói ngay:
“Thật ra nó cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày thôi. Nói chung, chính trị không ảnh hưởng đến mình nhiều lắm. Đại khái là mình cũng không quan tâm nhiều lắm đến vấn đề này”.
Thật ra nó cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày thôi. Nói chung, chính trị không ảnh hưởng đến mình nhiều lắm. Đại khái là mình cũng không quan tâm...Một du học sinh ở Phần Lan
Ngoài khối đa số người trẻ thực sự không quan tâm đến chính trị, đối với nhiều du học sinh, sau giai đoạn “sốc” vì trực tiếp nghe hay chứng kiến những hoạt động của “bên thua cuộc” về ngày 30/4, “không quan tâm” lại là một thái độ lựa chọn của họ. Việc “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, càng ít đề cập đến những vấn đề liên quan đến chính trị càng tốt, là cách mà các du học sinh “bảo toàn” cho bản thân và người thân ở quê nhà. Nhiều du học sinh còn được mách bảo phải tránh đi vào những khu vực tập trung của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại vào ngày 30/4, kẻo không may bị “dính” mặt vào những tấm ảnh hay video biểu tình của người Việt hải ngoại thì phiền to.
Du học sinh Phần Lan ở trên chia sẻ lý do “không quan tâm” của cô:
“Vì lúc đó mình chưa sinh ra nên mình cũng không biết, nhưng cũng được học ở trường. Nói chung, học ở trường thì khác xa với thực tế”.
Tuy nhiên khi được hỏi “những khác xa” trên cụ thể là gì, bạn du học sinh này từ chối phát biểu với lý do “không thể nói ra ở đây vì mình còn nhiều người thân ở Việt Nam”.
Rõ ràng, nhận thức của du học sinh khi ra khỏi đất nước là có thay đổi, cụ thể ở đây là về những điều đã được học về sự kiện 30-4 tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng ý thức rõ rằng những thay đổi về tư duy ấy nếu nói ra công khai thì sẽ gây bất lợi cho bản thân và người nhà.
Trên một số diễn đàn, du học sinh tỏ thái độ ngán ngẩm đối với sự tranh cãi của hai phe “nội” - “ngoại”, giữa hai khái niệm “giải phóng” và “mất nước”. Nhiều du học sinh cho rằng đây là một sự kiện đã ở trong quá khứ. Theo họ, hướng về tương lai là một thái độ tích cực hơn là mãi “gặm nhấm” quá khứ.
Hy vọng vào tương lai
Hoàng, một du học sinh vừa lấy bằng tiến sĩ tại Pháp, lại có một thái độ khác khi nhìn về sự kiện 30/4:
“Đến một ngày thì cũng phải kết thúc chiến tranh thôi, nhưng cái kết quả nó không đi về chiều hướng tốt đẹp cho đất nước và sau đó có 40 năm mà chả làm được gì. Vừa rồi vào dịp ông tổng thống Singapore mất, người ta nhắc lại câu mà ông nói vào thập niên 60: 'Ước gì Singapore được như Sài Gòn', bây giờ mình nói ngược lại. Có nghĩa là chính quyền mới họ tiếp quản cả một đất nước đang có một tiềm năng mà nhiều đất nước xung quanh thèm muốn như vậy mà không biết giữ, cũng giống như chị sở hữu một gia sản tốt mà chị không biết xài thì nó cũng hết thôi. Cái đó coi như dân tộc này chưa có may mắn. Hy vọng thời gian tới, xã hội cũng sẽ tiến triển dần dần.”
Vừa rồi vào dịp ông tổng thống Singapore mất, người ta nhắc lại câu mà ông nói vào thập niên 60: 'Ước gì Singapore được như Sài Gòn', bây giờ mình nói ngược lại. Có nghĩa là chính quyền mới tiếp quản cả một đất nước đang có một tiềm năng mà nhiều đất nước xung quanh thèm muốn như vậy mà không biết giữ.Hoàng, du học sinh tại Pháp.
Theo Hoàng, sự tiến triển ấy xảy ra thông qua “xã hội dân sự”, một khái niệm mà hiện nay có khá nhiều người trẻ tại Việt Nam đang góp phần thực hiện.
“Đất nước phải tiến bộ bằng xã hội dân sự. Nhờ mạng lưới internet, người ta được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn, rồi dần dần những bất cập trong đất nước nó sẽ đụng đến từng cá nhân. Cái chính là trước đây, người Việt Nam mình có một thói quen là “thôi, nó cũng chưa đụng tới mình thì mình cũng còn chấp nhận được”. Nhưng mà rồi tới đây, những khó khăn sẽ bò vào từng gia đình, nó sẽ làm phiền từng cá nhân. Với thuận lợi về thông tin bây giờ, không có một cái gì bưng bít được hết. Đến một lúc nào đó, xã hội sẽ tiến triển, sẽ phải có một cuộc chuyển giao. Vấn đề bây giờ là nếu cuộc chuyển giao đó xảy ra quá chậm, nó sẽ gây đau thương cho đất nước thêm một thời gian dài hơn nữa. Chỉ mong cuộc chuyển giao đó diễn ra nhanh, nhưng phải có thời gian, không thể nào nay mai được”.
Tốc độ chuyển giao đó, theo Hoàng, tùy thuộc rất nhiều vào sự dấn thân của người trẻ. Chừng nào người trẻ Việt Nam còn giữ suy nghĩ “đó không phải là chuyện của tôi” hay “không quan tâm” thực sự thì có lẽ sự chuyển mình của đi lên của đất nước sẽ vẫn dừng lại ở tốc độ như 40 năm qua.